Hai chiều cuộc đua V-League 2018

Thứ năm, ngày 26/04/2018

(BDO) Sau 6 vòng đấu, với gần 1/2 số trận của giai đoạn lượt đi, đã mang đến góc nhìn tương đối rõ nét về năng lực thi đấu của các đội bóng tại giải bóng đá VĐQG V-League 2018. Nếu không có những thay đổi mang tính đột biến trong chặng đường còn lại, thì nhiều khả năng thứ hạng hiện nay của các đội trên bảng xếp hạng V-League sẽ bất biến sau khi giai đoạn 1 (lượt trận vòng thứ 13 ) khép lại…


Pha tranh bóng trong trận hòa giữa B.BD và Hà Nội trên sân Bình Dương.
Ảnh: LONG VĨNH

Hiện tại sau 6 lượt đấu, Câu lạc bộ Hà Nội đang dẫn đầu với 14 điểm, xếp thứ nhì là Than Quảng Ninh với 13 điểm và hạng 3 là Khánh Hòa (11 điểm). Thật bất ngờ là Thanh Hóa, vốn được nhận định là 1 trong 2 ứng viên nặng ký nhất cho danh hiệu vô địch V-League 2018 đã không thể có mặt trong tốp 5 đội dẫn đầu. Đội bóng xứ Thanh hiện đang xếp thứ 6 với 8 điểm, đứng sau 2 đội bóng mang lại nhiều thú vị trong nửa chặng đường đầu tiên của giai đoạn I là Cần Thơ (hạng 5) và TP.Hồ Chí Minh (hạng 4) với cùng 9 điểm.

Nguyên nhân Thanh Hóa thi đấu không thành công, chẳng xa lạ gì với người hâm mộ và giới chuyên môn. Sở hữu lực lượng gồm nhiều cầu thủ giỏi, đội hình vừa có chiều sâu vừa đồng đều, nhưng sự thiếu đoàn kết giữa các thành viên trong Ban huấn luyện và giữa HLV trưởng người Romania Mihail với một nhóm cầu thủ ngôi sao trong đội đã ngăn cản đội bóng xứ Thanh đạt kết quả như ý. Tính đến thời điểm này, cho dù chỉ chạm trán với các đội bóng làng nhàng của Philippines, Myanmar, nhưng Thanh Hóa đã không còn cơ hội đi tiếp ở đấu trường AFC Cup, nên trận đấu với Câu lạc bộ Yangon United vào chiều 25-4 vừa qua tại sân Mỹ Đình chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục. Việc HLV Mihail từ nhiệm, giao quyền cầm quân lại cho HLV Hoàng Thanh Tùng vẫn chưa thể giúp Thanh Hóa thi đấu khởi sắc. Trận hòa trên sân Bình Dương (tỉ số 3-3) và việc để cho Cần Thơ cầm chân 1-1 ngay tại sân Lam Sơn đã chỉ ra rằng, Thanh Hóa vẫn chưa thoát khỏi sức ỳ về chuyên môn - hậu quả của những bất đồng nơi hậu trường sân cỏ với HLV người Romania để lại. Nếu trong 7 lượt đấu còn lại chẳng thể mang về từ 18-21 điểm cho Thanh Hóa thì đội bóng xứ Lam Kinh chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh nổi cùng với ứng viên vô địch là Hà Nội.

Trong cuộc đua vô địch, ngoài Thanh Hóa, thì đương kim vô địch Quảng Nam (hạng 7 với 8 điểm), Đà Nẵng (hạng 11 với 7 điểm, bằng điểm với B.BD - hạng 9) cũng đều cho thấy sự mệt mỏi lộ rõ ngay sau vạch xuất phát. Cho dù vẫn còn đến 20 vòng đấu phía trước, nhưng căn cứ vào bộ mặt uể oải của Quảng Nam, nhiều người cho rằng, đội bóng xứ Quảng gần như chắc chắn sẽ không thể bảo vệ thành công danh hiệu đương kim vô địch khi V-League 2018 khép lại. Với Đà Nẵng, sẽ khó cho đội bóng sông Hàn của HLV Minh Phương đạt thành tích cao sau khi giai đoạn 1 khép lại. Kinh nghiệm cầm quân của dàn HLV trẻ, phong độ trồi sụt của các cầu thủ trụ cột, là những điều sẽ còn khiến Đà Nẵng còn hụp lặn ở khu vực giữa bảng xếp hạng, chứ đừng nói gì đến việc chạy đua giành cúp.

Ở cuộc đua chống rớt hạng, tân binh của giải V-League 2018 là đội Nam Định đang “cô đơn” ở đáy bảng xếp hạng với 1 điểm duy nhất sau 6 vòng đấu. Về chuyên môn thì Nam Định không thua sút nhiều nếu so với các đội cũng nằm trong “vùng nguy hiểm” như Sài Gòn (5 điểm, hạng 13), B.BD (7 điểm, hạng 9), hay thậm chí là HAGL (8 điểm, hạng 8). Nhưng cái thiếu lớn nhất của Nam Định là kinh nghiệm trận mạc của các cầu thủ trẻ, tâm lý thi đấu còn chưa vững chắc trong những thời điểm quyết định của trận đấu đã khiến cho đội bóng của HLV Nguyễn Văn Sỹ chìm sâu ở đáy bảng xếp hạng chỉ với 1 điểm duy nhất có được từ trận hòa với Cần Thơ trên sân nhà ở vòng khai mạc. Xem ra, Nam Định sẽ khó để thoát khỏi 1 suất rớt hạng đang chờ sẵn. Nửa chiếc vé rớt hạng còn lại đang phủ bóng xuống các đội trong nhóm từ giữa bảng xếp hạng trở xuống… Chính điều này, với nửa suất rớt hạng sẽ làm cho cuộc đua chống rớt hạng sẽ căng thẳng và hấp dẫn đến tận vòng cuối của mùa giải.

CHÍ THANH