Hacker tung tin “Mr Bean” qua đời để phát tán mã độc
Những ngày qua người hâm mộ Rowan Atkinson choáng váng với thông tin nam diễn viên nổi tiếng với vai diễn “Mr Bean” này đã qua đời. Tuy nhiên thực tế đây chỉ là một tin tức giả mạo được hacker tung ra để phát tán mã độc.
Từ ngày 19/7 vừa qua, nhiều người đã cùng nhau chia sẻ thông tin nam diễn viên Rowan Atkinson, nổi tiếng với vai “Mr Bean”, đã qua đời vì một vụ tai nạn giao thông ở thành phố Los Angeles (Mỹ).
Thông tin này đã được phát tán một cách nhanh chóng trên mạng xã hội, thậm chí với một số trang Facebook đã thu hút hàng chục ngàn lượt bày tỏ cảm xúc và chia sẻ của người dùng. Một số trang Facebook đã chia sẻ hình ảnh của Rowan Atkinson, kèm theo thông điệp chia buồn và đính kèm một trang web với tiêu đề: “Tin sốc: Mr. Brean (Rowan Atkinson) đã qua đời ở tuổi 62 sau một vụ tai nạn giao thông”.
Trên thực tế đây là những tin tức giả mạo đã được hacker tung ra nhằm đánh lừa những người dùng nhẹ dạ cả tin và phát tán mã độc.
Nếu người dùng nào tò mò kích vào đường link trang web được tin tặc cung cấp về vụ tai nạn khiến Rowan Atkinson qua đời, họ sẽ bị dẫn đến những trang web có chứa mã độc hoặc lừa người dùng tải các phần mềm độc hại về máy tính.
Thậm chí một số trang web sẽ hiển thị các nội dung giả mạo như máy tính đã bị nhiễm virus, đồng thời cung cấp một số điện thoại để người dùng gọi đến nhờ giúp đỡ xử lý vấn đề. Nếu người dùng gọi vào số điện thoại này, tin tặc sẽ giả mạo là nhân viên kỹ thuật và lừa người dùng cung cấp các thông tin, bao gồm cả thông tin cá nhân và thông tin thẻ tín dụng.
Hiện tại nam diễn viên Rowan Atkinson hoàn toàn khỏe mạnh và không hề bị qua đời như thông tin hacker đã đăng tải. Đây cũng không phải là lần đầu tiên nam diễn viên này bị tung tin đồn đã qua đời, trước đó vào năm 2016 và vào tháng 3 năm ngoái, cư dân mạng cũng đã rúng động với thông tin “Mr Bean” đã qua đời nhưng sự thật sau đó được phát giác chỉ là các tin giả mạo.
Việc hacker tung các thông tin giả mạo và giật gân để lừa người dùng Internet nhằm phát tán mã độc không phải là điều mới mẻ. Ngoài ra các tin tặc cũng thường lợi dụng các sự kiện, thảm họa lớn trên thế giới như những trận động đất, sóng thần hay khủng bố... để phát tán phần mềm độc hại thông qua các trang web có chứa mã độc.
Do vậy, người dùng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng phải thường xuyên có sự cảnh giác trước các tin tức giả mạo, kiểm duyệt thông tin trước khi chia sẻ một điều gì đó trên trang cá nhân của mình để tránh trường hợp tiếp tay cho tin tặc phát tán mã độc. Đặc biệt tuyệt đối không nhấn vào các trang web hoặc tải về các phần mềm không rõ nguồn gốc bởi lẽ đây là một trong những nguồn lây lan mã độc phổ biến nhất hiện nay.
Theo Dân trí