Hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ: Doanh nghiệp chịu nhiều tác động
(BDO)
Trong 3 ngày qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lần lượt hạ tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ (NDT) so với USD ở các mức 2%, 1,6% và 1,1%. Trung Quốc là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, do đó nền kinh tế của nước ta, nhất là doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ trước những biến động của đồng NDT.
Hạ tỷ giá NDT sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của DN trong tỉnh sang Trung Quốc. Trong ảnh: Hoạt động xuất - nhập khẩu tại Tân Cảng ICD - Sóng Thần (phường Bình Hòa, TX.Thuận An). Ảnh: P.LÊ
DN xuất khẩu gặp khó
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, chúng ta đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Việc phá giá đồng NDT sẽ làm cho hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam đã rẻ nay lại càng rẻ hơn nữa. Với những DN Việt Nam cần nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu thì đây là điều tốt, nhưng những DN phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc kể cả thị trường trong nước lẫn thị trường nước ngoài thì sẽ gặp khó khăn nhiều hơn. Nguy cơ lớn hơn là chúng ta sẽ ngày càng lệ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc.
Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương cho biết, động thái Trung Quốc giảm tỷ giá NDT hiện chưa làm ảnh hưởng đến những DN hoạt động sản xuất trong ngành may mặc, vì các DN đều có kế hoạch về hàng hóa cũng như đã ký kết hợp đồng với khách hàng. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục phá giá NDT thì hàng hóa của họ sẽ rẻ hơn hiện nay. Do vậy, thay vì thời gian qua các đơn hàng lớn từ Trung Quốc đổ về Việt Nam thì nay, Trung Quốc sẽ thu hút khách hàng quay trở lại. Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến ngành may mặc nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung. |
Đồng quan điểm trên, theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, NDT mất giá sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thương mại của Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể tăng lên do giá rẻ hơn trên thị trường quốc tế so với sản phẩm tương tự của Việt Nam như may mặc, thủy sản... Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc của các DN Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu nông sản sẽ gặp khó.
Còn ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Trăn - Cá sấu Ngọc Sơn (phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An), thành viên Hiệp hội Da giày Bình Dương chia sẻ: “Công ty chúng tôi sản xuất các sản phẩm về da trăn, cá sấu như ví, thắt lưng, túi xách... 2/3 sản phẩm của công ty xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, đa số hợp đồng xuất khẩu sản phẩm của công ty sang Trung Quốc đều tính bằng NDT. Với việc phá giá đồng NDT một cách đột ngột, liên tục trong mấy ngày qua của Trung Quốc đã làm thiệt hại rất lớn đến công ty”.
Cũng theo ông Sơn, trước tình hình đồng NDT bị phá giá, nền kinh tế của Việt Nam được lợi ít mà thiệt hại thì nhiều vì hàng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn trong tổng hàng xuất khẩu của nước ta. Tới đây, các DN lớn của Trung Quốc sẽ ép các DN nhỏ của Việt Nam.
Theo thông tin từ các hiệp hội ngành hàng tại Bình Dương, hiện hàng hóa Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh số một với hàng Việt Nam.
Cần thêm hỗ trợ
Ông Mai Hữu Tín cho biết, một số chuyên gia quốc tế đã nhận định những bước đi này của Trung Quốc có thể dẫn tới một cuộc chiến tiền tệ. Bản thân DN Việt Nam phần lớn nhỏ và yếu. Trước động thái hạ tỷ giá đồng NDT của Trung Quốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện điều chỉnh biên độ tỷ giá tăng từ 1% rồi đến 2% nhằm hỗ trợ cho DN. “Tôi đánh giá cao phản ứng nhanh lẹ này của Ngân hàng Nhà nước”, ông Tín nói.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn thì cho rằng, Nhà nước cần tăng biên độ tỷ giá lên từ 3 - 4% nữa thì DN mới phần nào đỡ thiệt hại. Theo ông Phạm Văn Xô, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ DN hình thành chợ nguyên liệu, hỗ trợ DN sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu, đồng thời phân vùng hoạch định các chợ nguyên liệu để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đối với các DN trong nước, phải tính đến chuyện tự mình làm sản phẩm và bán sản phẩm để phục vụ mình; phải tìm thêm nguồn cung từ các nước khác, kết hợp đối tác nước ngoài thành lập nhà máy sản xuất nguyên liệu ở Việt Nam. Các DN Việt Nam cũng cần tăng năng suất lao động, thực hiện tái cấu trúc lao động đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực, cũng như tạo giá thành sản phẩm tăng tính cạnh tranh.
Theo ông Lê Hồng Phoa, Nhà nước cần xúc tiến đưa những hiệp định thương mại tự do đã ký vào thực tiễn. Những hiệp định nào chưa ký thì cần đàm phán nhanh.
PHƯƠNG AN