Hạ tầng Thương mại – Dịch vụ Bình Dương: Phát triển đồng bộ và đúng định hướng
Cùng với công nghiệp, thời gian qua thương mại - dịch vụ (TM-DV) của Bình Dương phát triển mạnh mẽ. Trong đó, hạ tầng nhiều lĩnh vực như tín dụng - ngân hàng (TD-NH), siêu thị - trung tâm thương mại (ST-TTTM), dịch vụ kho vận - cảng đã có nhiều đột phá, góp phần quan trọng đưa TM-DV phát triển theo đúng định hướng mà Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ đề ra.
Hệ thống ngân hàng đa dạng, đồng bộ
Đến nay tại Bình Dương có 54 chi nhánh NH và 10 quỹ TD nhân dân. Trong đó hầu hết các NH lớn đều hiện diện, như: NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NH TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NH Đầu tư và Phát triển (BIDV), NH Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) và các NH khác như NH TMCP Á Châu (ACB), NH TMCP Hàng Hải (Maritime Bank), NH Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)…
Hạ tầng ST-TTTM phát triển nhanh chóng. Trong ảnh: Siêu thị Co.opMart Bình Dương
Theo NH Nhà nước Chi nhánh Bình Dương, nhìn chung hệ thống TD-NH tại Bình Dương đã phát triển đồng bộ, hàng loạt NH trong thời gian qua đã tăng tốc, mở rộng thị phần, phục vụ tốt nhu cầu về vốn cho người dân cũng như đáp ứng nguồn vốn cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần rất quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương.
Đột phá siêu thị - trung tâm thương mại
Với dân số hơn 1,7 triệu người, có hơn 16.000 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên 70.000 tỷ đồng/năm nên Bình Dương đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực ST-TTTM. Chỉ từ năm 2004 đến nay, hệ thống ST-TTTM tại Bình Dương phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô. Có mặt sớm nhất tại Bình Dương là Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa vào hoạt động ST Vinatex đầu tiên vào tháng 4-2004. Tiếp đó, hàng loạt các dự án được cấp phép và triển khai xây dựng. Đến nay Bình Dương đã có trên 20 ST-TTTM lớn ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và Dĩ An, huyện Tân Uyên và Bến Cát. Hầu hết các thương hiệu lớn trong lĩnh vực này đều có mặt trên địa bàn như Co.opMart, Vinatex, CitiMart, BD Mart, BigC…
Bên cạnh các DN trong nước, Bình Dương được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và chọn lựa để đầu tư. Tập đoàn Metro Cash & Carry đưa ST Metro Bình Dương vào hoạt động cuối năm 2010, mới đây Big C đã đưa vào hoạt động 2 ST tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Dĩ An. Ngoài ra, Lotte Mart, nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc cũng đang đầu tư ST tại TX.Thuận An... Có vốn lớn đầu tư vào ST-TTTM là Tập đoàn Aeon nổi tiếng của Nhật Bản đang đầu tư TTTM kế cận KCN Việt Nam - Singapore I (VSIP I), TX.Thuận An với số vốn lên đến 95 triệu USD.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương, hệ thống hạ tầng ST-TTTM phát triển nhanh đã góp phần phục vụ tốt nhu cầu đời sống của người dân, sức tiêu dùng gia tăng theo hướng văn minh hiện đại. Ngoài ra, sự phát triển nhanh của hệ thống ST-TTTM còn góp phần đưa tổng mức bán lẻ của Bình Dương tăng bình quân hàng năm trên 30%.
Tăng tốc kho vận, bến cảng
Kho ngoại quan do Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải U&I đầu tư
Bình Dương nằm giữa trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu 20 tỷ USD hàng năm, bên cạnh đó còn có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn từ các DN đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành lân cận. Vì vậy, việc đầu tư vào lĩnh vực kho vận (logictics), xây dựng cảng tại Bình Dương để trung chuyển hàng hóa rất có tiềm năng và được DN quan tâm. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, thời gian qua Bình Dương đã thu hút nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực kho vận như Công ty TNHH ICD Tân Cảng - Sóng Thần đầu tư cảng khô tại TX.Thuận An, Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải U&I đầu tư khu kho vận lớn tại huyện Tân Uyên…Trong năm 2013, lĩnh vực TM-DV tiếp tục chuyển biến tích cực và có mức tăng khá cao. 6 tháng đầu năm 2013, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 38.579 tỷ đồng, tăng 18,7% so cùng kỳ năm trước; có thêm 2 ST và 2 TTTM đi vào hoạt động; sản lượng vận chuyển hàng hóa tăng 23,7%; tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 76.737 tỷ đồng, dư nợ cho vay 55.199 tỷ đồng…
Trong lĩnh vực này, Bình Dương cũng thu hút nhiều dự án lớn của DN đến từ Singapore, Đức, Đan Mạch… Cụ thể như Tập đoàn Mapletree (Singapore) đã đưa vào hoạt động Khu kho vận Mapletree tại Khu liên hợp Bình Dương vào tháng 10-2008 với vốn đầu tư 110 triệu USD, trước đó tập đoàn này đã đầu tư tại KCN VSIP I rất hiệu quả. Năm 2009, Công ty Schenker Việt Nam (Đức) đã đưa vào hoạt động trung tâm kho vận tại KCN Sóng Thần I với vốn đầu tư 5,5 triệu USD. Cuối năm 2010, liên doanh giữa Tập đoàn YCH (Singapore) và Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade) đã đưa vào hoạt động Trung tâm Kho vận YCH - Protrade tại TX.Thuận An với tổng vốn đầu tư 14 triệu USD. Năm 2011, Damco, thành viên của Tập đoàn A.P.Moller - Maersk (Đan Mạch) đã khánh thành Trung tâm kho vận đa năng hiện đại giai đoạn 1 tại TX.Dĩ An với vốn đầu tư 4 triệu USD. Ông Narin Phol, Giám đốc điều hành Damco tại Việt Nam và Campuchia, nói: “Bình Dương có vị trí chiến lược và thuận lợi để phát triển lĩnh vực kho vận, trung chuyển hàng hóa. Với vị trí trung tâm, Bình Dương kết nối chặt chẽ với hệ thống giao thông đường bộ và cho phép dễ dàng tiếp cận hiệu quả với cảng nước sâu như Cát Lái và Cái Mép...”.
Ở lĩnh vực kho vận và cảng, việc đầu tư cảng sông cũng đang khởi sắc. Hiện Bình Dương đã có cảng Bình An tại TX.Dĩ An do Daso Group đầu tư đã đi vào hoạt động từ nhiều năm trước. Cảng Thạnh Phước nằm tại huyện Tân Uyên do Công ty Cổ phần Cảng Thạnh Phước làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động vào giữa năm 2012, bước đầu đã tạo ra nhiều tiện ích, tiết giảm chi phí, thời gian cho DN. Hiện Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV (Thalexim) đang xây dựng Khu kho cảng An Sơn trên sông Sài Gòn tại xã An Sơn (TX.Thuận An) với tổng kinh phí đầu tư 323 tỷ đồng. Việc triển khai nhiều cảng sông tại Bình Dương là tín hiệu đáng mừng, góp phần mở ra cửa ngõ thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu của Bình Dương và vùng lân cận, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa và kết nối hạ tầng giữa cảng sông với các khu công nghiệp của địa phương đến với các cảng quốc tế.
Tập trung đưa nghị quyết vào thực tiễn, thời gian qua lĩnh vực TM-DV của Bình Dương phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi đáng kể bức tranh kinh tế tỉnh nhà. Với chiều hướng này đã cho thấy, mục tiêu của Chương trình “Phát triển dịch vụ chất lượng cao giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020” theo nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ được triển khai thực hiện rất hiệu quả. Đây là cơ sở để vững tin vào kế hoạch đến năm 2015, tỷ trọng GDP của khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 38% đã đề ra là điều khả thi.
VỆ GIANG