Hà Nội, TPHCM: Chấn động làm hàng trăm người đổ xuống đường

Thứ tư, ngày 11/04/2012

Sóng dư chấn trận động đất 8,9 độ Richter ngoài khơi Indonesia làm nhiều tòa nhà cao tầng ở Hà Nội, TPHCM rung lắc, hàng trăm người hốt hoảng đổ xuống đường.

>> Động đất 8,9 độ richter làm rung chuyển Indonesia

Khoảng 4 giờ ngày 11-4, tại TPHCM, hàng trăm người làm việc tại tòa nhà 68 tầng, cao nhất TPHCM, Bitexco ở góc ngã tư Hồ Tùng Mậu - Hải Triều, quận 1, đã hốt hoảng bỏ chạy khi thấy bàn ghế, máy tính, bóng đèn rung nhẹ.

  Nhiều người đang làm việc trong tòa nhà Flemington hốt hoảng đổ xuống đường khi cảm nhận rung lắc Chị Nguyễn Ngọc Thu Trang (30 tuổi) làm việc tại tầng 22, tòa nhà kể lại: “Lúc đó tôi đang làm việc trên máy tính thì thấy người chao nhẹ, máy tính cũng rung rinh. Nghĩ là động đất hay có vấn đề gì đó nên tôi cùng đồng nghiệp tháo chạy”.

Trong khi đó, chị Thảo làm việc cho Adidas tại tầng 22 của tòa nhà này cho biết: “Thấy bóng đèn treo trong phòng rung nhẹ nên cả phòng hơn 30 người tháo chạy thành nhiều tốp. Có người đi thang máy, riêng tôi thang máy chật kín người nên bung chạy bộ xuống đất. Đứng phía dưới 15 phút thì bảo vệ tòa nhà sau khi kiểm tra tất cả các tầng, thấy đã ổn nên kêu lên lại”.

Ông Diệp Văn Tường (64 tuổi), bán thuốc lá tại số 25 Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1 kể: “Tui bán hàng dưới đất nên không có nghe động tỉnh gì, thấy nhiều người chạy ào ào từ tòa nhà ra tôi cũng ngạc nhiên. Hỏi thì họ nói có động đất, họ đứng đâu chừng nửa tiếng thì lên lại”.

Trong khi đó, chị Tường Vi (36 tuổi) làm việc tại tầng 14 Tòa nhà Fideco số 81, Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 chia sẻ: “Lúc đó, tôi cũng không có cảm giác là động đất. Thấy hàng chục người chạy tôi cũng bung chạy, thoát từ tầng 14 xuống đất mệt quá”.

Giám đốc một công ty tại tòa nhà Fideco vì lo lắng nên sau khi ổn định đã cho toàn bộ nhân viên ra về sớm, vị này nói: “Thôi kệ, cho nhân viên về sơm 1 giờ cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Thà vậy chứ rủi có chuyện gì thì hậu quả khó lường”.

Cùng thời điểm, hàng trăm nhân viên làm việc tại cao ốc Flemington Tower cao 25 tầng trên đường Lê Đại Hành, quận 11 – TPHCM hốt hoảng đổ xô xuống đường do cảm nhận tòa nhà rung lắc.

Chị L.T.X.L, làm việc tại tầng 14 của tòa nhà kể lại: Khi cả phòng đang làm việc thì đột nhiên ai cũng cảm thấy mặt mày choáng váng, ly nước trên bàn rung lắc liên tục.

“Tôi cứ tưởng mình bị trúng gió nhưng cùng lúc thấy nhiều người đổ xô ra thang máy, thang bộ để chạy xuống đường thì mới biết có động đất”.

Rung lắc kéo dài trong khoảng 1 phút. Khi đó, trong tòa nhà Flemington có hàng ngàn nhân viên đang làm việc. Hoảng sợ, nhiều người đổ xuống đường gây cảnh ùn tắc trên đường Lê Đại Hành.

Tại quận 7 – TPHCM, động đất cũng làm hàng loạt tòa nhà ở đây rung lắc mạnh.

Chị Hồ Thị Minh Châu, làm việc tầng 7 tại tòa nhà Cresent Plaza kể lại: Lúc đó, cả phòng ai cũng cảm thấy chóng mặt, đồ vật thì rung lắc liên tục. Nghi có động đất nên mọi người lật đật chạy bộ xuống đường.

“Chúng tôi đứng dưới đường hơn nửa tiếng, thấy tình hình im ắng mới lên làm việc tiếp. Khi đó, nhân viên của nhiều cao ốc bên cạnh cũng đổ xuống đứng đầy đường”, chị Châu kể.

Rung lắc cũng diễn ra tại nhiều cao ốc ở Hà Nội. Chị Nguyễn Thanh Huyền, làm việc tại tầng 9, tòa nhà khu Duy Tân, quận Cầu giấy cho biết, vào lúc 16 giờ, mọi người xung quanh vẫn làm việc bình thường, chỉ một số cảm nhận được rung động và kêu vừa bị chóng mặt.

Còn anh Nguyễn Văn Phương, làm việc tại tầng 16 của tòa nhà ở quận Hoàng Mai kể: Lúc đó, tôi đang cắm tai nghe nhạc, tập trung làm việc nên không thấy gì, nhưng tự nhiên thấy nhốn nháo, mọi người hò hét, chạy nháo nhào ra ngoài nên cũng chạy ra xem có chuyện gì thì mới biết là vừa có dư chấn.

TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất sóng thần Việt Nam, cho biết các tòa nhà bị rung động là do dư chấn động đất vừa xảy ra ở Indonesia với cường độ 8,9 độ richter. Chính sóng động đất từ trận động đất này đã lan truyền xa và ảnh hưởng tới Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS Minh, đây chỉ là rung động do sóng động đất chứ không phải dư chấn động đất và không ảnh hưởng nhiều.

Trả lời câu hỏi của PV, tại sao sóng động đất lại chỉ ảnh hưởng chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM, TS Minh lý giải, đó là do đặc điểm trầm tích tại hai TP này.

 

“Hà Nội và TP HCM có nền đất yếu, vì thế nó đã khuếch đại sóng động đất lên so với các nơi khác. Tuy nhiên, cũng chỉ các tòa nhà cao tầng mới cảm nhận được chứ ở tầng thấp thì không thấy rõ”, ông Minh cho biết.

Dù vậy, TS Minh khẳng định rõ: Người dân Việt Nam không nên quá lo lắng vì trận động đất này chỉ có khả năng gây sóng thần cho khu vực xung quanh chứ không có khả năng gây sóng thần cho Việt Nam.

Theo NLĐ