Hà Nội đã xuất hiện ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng

Thứ tư, ngày 26/01/2022

(BDO)

Hà Nội đang ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Hà Nội đang ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch COVID-19. Đáng lưu ý, Thủ đô đã ghi nhận 14 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có 1 trường hợp tại cộng đồng.

Như vậy, biến chủng mới đã có tại Thủ đô, nguy cơ phát tán ra cộng đồng là hoàn toàn có thể, do đó, cần tiếp tục theo dõi sát và áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm chặt đối với các chuỗi lây nhiễm biến chủng này.

Thông tin trên được đại diện Sở Y tế Hà Nội đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn diễn ra sáng 26/1.

Gần 700 trường hợp trong tình trạng nặng

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong hơn 160 ca nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron tại 13 tỉnh, thành phố, Hà Nội có 14 ca; còn lại 149 ca ghi nhận tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Bình Dương.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết tuần qua (từ ngày 19/1 đến 25/1), trung bình thành phố ghi nhận 2.902 ca/ngày. Số ca mắc cơ bản đang được kiểm soát tốt, song dự báo tuần tiếp theo có thể ghi nhận mức giảm do người dân về quê đón Tết và sẽ tăng trở lại sau Tết. Hiện nay, công tác phòng, chống dịch tại Hà Nội vẫn đang được triển quyết liệt. Tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn trong giới hạn kiểm soát.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 69.000 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 142 trường hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: 223 trường hợp, tại các bệnh viện của Hà Nội là 3394 trường hợp, cơ sở thu dung điều trị thành phố: 745 trường hợp, cơ sở thu dung quận, huyện: 4956 trường hợp, theo dõi cách ly tại nhà: 59.615 trường hợp.

Trong ngày 25/1, theo thống kê không có bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung. Số ca tử vong trong ngày là 19 trường hợp, tổng số người tử vong do COVID-19 tại Hà Nội từ ngày 29/4/2021 đến nay là 506 người.

Thống kê từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cập nhật đến 25/1, Hà Nội có 2.221 F0 ở mức độ trung bình, 691 ca nặng, nguy kịch. Trong số các ca nặng nguy kịch có 570 ca phải thở oxy mask, gọng kính; 37 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 20 ca thở máy không xâm lấn; 60 ca phải thở máy xâm lấn; 4 ca lọc máu.

Đến nay, thành phố đã tiêm được 14.541.317 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó có 241.072 mũi bổ sung và 2.193.061 mũi nhắc lại. Thành phố phấn đấu hoàn thành tiêm phủ mũi 3 trong quý I/2022.

Chủ động ứng phó với biến chủng Omicron

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, các ca mắc tại Hà Nội vẫn tăng cao, trong đó số ca mắc cộng đồng chiếm khoảng 30%. Bà Hà nhận định sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc tại thành phố sẽ tăng cao hơn nữa do giao lưu, giao thương của người dân dịp này lớn, ngành y tế đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch, trong đó bảo đảm được mục tiêu là giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tầng, chuyển nặng và tử vong. Ngành y tế của Hà Nội cũng đề nghị các địa phương bảo đảm tỷ lệ an toàn là mức 95% bệnh nhân điều trị tại nhà; chỉ khoảng 5% điều trị tại cơ sở y tế.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh: “Ngành y tế sẵn sàng không có ngày nghỉ lễ, Tết để phục vụ người dân trong công tác xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng...”

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch trong dịp nghỉ lễ, ngày 25/1, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc ngành chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thường trực 4 cấp gồm trực lãnh đạo, xử lý đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính-hậu cần; trực bảo vệ-tự vệ; Có kế hoạch phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh. Các đơn vị tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới khi cần thiết.

Các đơn vị cần chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron đồng thời có kế hoạch cụ thể về dự trữ thuốc, dịch truyền, oxy, vật tư, hóa chất, giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh.

Trong công tác điều trị, các đơn vị có liên quan tổ chức tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân, bảo đảm người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Trong trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa thì cơ sở y tế phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định mới chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác. Từng đơn vị chuẩn bị thuốc, máu, dịch truyền, trang thiết vị và nguồn nhân lực để cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.

Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo hàng ngày và kịp thời báo cáo mọi diễn biến bất thường về Sở Y tế để có phương án chỉ đạo giải quyết kịp thời./.

Theo TTXVN