Hạ lãi suất huy động, giảm lãi suất vốn vay: Doanh nghiệp vẫn chưa hết băn khoăn!
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội xuất nhập khẩu Bình Dương, cho biết: “Hiện tại, với lộ trình giảm lãi suất như vậy phía các DN rất đồng tình. Việc hạ LS huy động sẽ khiến cho mặt bằng LS giảm, tạo điều kiện cho DN mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. DN chỉ phải cơ cấu lại đầu tư, các khoản hợp đồng với ngân hàng trước đây với LS cao và vay trong thời gian trung và dài hạn, giờ được đáo hạn sớm để được hưởng LS thấp”.
Tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi sẽ giúp sản xuất ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong ảnh: Sản xuất công nghiệp phụ trợ tại KCN Đồng An 2
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty Nam Bình (Prowin), cho biết: “Ngân hàng hạ LS, nới lỏng chính sách cho vay đã giúp DN được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào những lĩnh vực lâu dài, có những định hướng, chiến lược phát triển sản xuất và là điều kiện tốt góp phần giảm chi phí giá thành sản phẩm, kích thích doanh số bán hàng”. Ông Vũ phân tích thêm, năm 2014 kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc, nhiều DN đang tập trung tái sản xuất, đầu tư, đặc biệt là đầu tư DN phụ trợ thì việc hạ LS lần này là rất hợp lý. Đơn cử như trong lĩnh vực may mặc, DN rất cần vốn đầu tư trang thiết bị mới để sản xuất, cạnh tranh với DN nước ngoài. Trước đây, đa số phải mua vật tư ở nước ngoài, nhưng hiện nay DN có thể tự cung, tự cấp các vật tư và nâng cao chất lượng cũng như hạ được giá thành sản phẩm để từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Với đợt hạ LS này, các DN nông nghiệp cũng không khỏi vui mừng. Chị Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy (Long Nguyên, Bến Cát), chia sẻ: “Là một trong những DN nông nghiệp, tôi rất vui mừng khi biết ngân hàng hạ LS đợt này.Việc hạ LS sẽ giảm áp lực cho những DN đang vay. Với diện tích 14 ha bưởi da xanh, công ty tôi đang cần vốn để đầu tư, chăm sóc, nhất là trong năm nay thời tiết thay đổi thất thường, sương muối nhiều gây khó khăn cho DN. Việc hạ LS sẽ tạo thêm điều kiện để chúng tôi đầu tư sản xuất”.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết mặc dù hạ LS nhưng các DN vẫn không khỏi băn khoăn về thời gian đáo hạn. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thủy nói: “Mừng là vậy, nhưng chúng tôi cũng không khỏi băn khoăn khi thời gian đáo hạn ngắn, chỉ có 6 tháng, trong khi đó thời gian thu hồi vốn từ sản phẩm khi không đúng vụ thì rất khó khăn trong việc xoay vòng vốn. Nếu được cho vay trung và dài hạn sẽ giúp DN sản xuất hiệu quả hơn” .
Có thể thấy, cùng với những mặt tác động tích cực đến DN thì việc hạ LS lần này vẫn chưa đủ để DN phát huy hết hiệu quả. Mặc dù LS hạ nhưng nhiều DN không biết vay để làm gì khi không có thị trường, không tiêu thụ được sản phẩm. Như vậy, việc hạ LS mới chỉ là điều kiện cần và DN phải cân nhắc khi vay. Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Vinh Quang, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế miền Đông, nói: “Hiện nay DN khó khăn về đầu ra là chính, vốn chỉ là một trong những khó khăn. Thực tế cho thấy hiện sức hấp thụ vốn của nhiều DN đang rất kém, do sức mua của thị trường thấp, hàng tồn kho nhiều, chi phí đầu vào tăng, lợi nhuận đồng vốn đầu tư thấp nên DN không muốn vay vốn từ ngân hàng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”.
Để chính sách hạ LS không phải là “chính sách thả nổi” mà là chính sách có hiệu quả thiết thực, góp phần giúp DN ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, theo ông Xô, cần duy trì lãi suất này trong suốt 3 năm và có sự ưu đãi về nguồn vốn vay trung và dài hạn. Mặt khác, có thêm ưu đãi về đất, thuế cũng như tăng cường miễn thuế cho DN.
PHƯƠNG AN