Hạ lãi suất các khoản vay cũ: Doanh nghiệp vừa mừng vừa lo

Thứ tư, ngày 11/07/2012

Sau một loạt giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) vừa lại sản xuất, kinh doanh, mới đây NHNN lại tiếp tục chỉ đạo phải hạ ngay lãi suất (LS) các khoản vay cũ về dưới 15%/năm và các khoản vay mới đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 13%/năm. Trước những động thái này, một số đại biểu HĐND là chủ DN đã có sự chia sẻ bên lề kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VIII rằng, vui thì có vui nhưng lo vẫn còn lo!  Tình hình sản xuất, kinh doanh của DN sẽ sáng hơn vào quý IV-2012

Mừng...

Đại biểu Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc, cho biết: “Để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, các DN tự phải tự cứu mình và tìm hướng ra cho sản phẩm để giảm bớt hàng tồn kho. Một số đơn vị không bán được hàng tại thị trường trong nước phải tìm thị trường xuất khẩu, dù bán với giá không tốt bằng thị trường trong nước nhưng phải bán để tạo nguồn thu cho DN, đồng thời cân đối được tài chính và tạo sự luân chuyển tiền tệ. Từ đầu năm đến nay, các DN thực sự rất khó khăn, nhưng với tình hình Nhà nước “mở van” tín dụng cũng như giảm LS, kích cầu, giãn thuế thu nhập DN... đã tạo điều kiện thuận lợi để DN có sức bật, lấy lại đà sau một thời gian giảm sút rất mạnh. Từ những giải pháp đó của Nhà nước, tôi nghĩ trong quý III các DN sẽ có sự phục hồi và quý IV sẽ có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận”.

Hiện nay, các NH cũng đã mở ra kênh tín dụng với LS điều chỉnh giảm và thực hiện các chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với DN. Những động thái này sẽ góp phần hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung. Cụ thể, NH ACB đã triển khai chương trình “Bó sản phẩm dành cho khách hàng DN” có quy mô vừa và nhỏ, bao gồm cả DN tư nhân cũng được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Theo đó, ACB thiết kế những bó sản phẩm dịch vụ riêng cho các DN vừa và nhỏ có quy mô doanh thu thuần dưới 400 tỷ đồng, bao gồm nhiều sản phẩm, dịch vụ được bó lại trong một bó nhằm đáp ứng nhu cầu tối đa của khách hàng. Bó sản phẩm bao gồm 2 nhóm sản phẩm là nhóm sản phẩm lõi và nhóm sản phẩm khác, tùy thuộc vào từng nhóm khách hàng sẽ có các bó sản phẩm phù hợp. Với sản phẩm lõi là những sản phẩm thuộc nhu cầu thường xuyên của khách hàng, bao gồm tiền gửi thanh toán, vay vốn lưu động, thanh toán trong nước. Còn sản phẩm khác là những sản phẩm đi kèm với sản phẩm lõi nhằm gia tăng thêm tiện ích cho khách hàng bao gồm thanh toán trong nước, bảo lãnh trong nước, tài trợ tài sản cố định, tài trợ đầu tư dự án...

Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh DN gặp khó khăn thì bất cứ sự hỗ trợ nào dù nhỏ nhất đều tạo khí thế mới để DN có thêm quyết tâm thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Nếu Nhà nước không có động thái hạ LS các khoản vay cũ thì rất khó để DN hưởng được mức LS giảm, bởi NH bắt buộc phải trả vốn vay cũ rồi mới cho vay mới, trong khi đó lãi cũ đã đầy hạn mức rồi, chưa trả được và chưa có tiền thì làm sao trả để vay mới với LS thấp hơn! Động thái đó là điều tiên quyết, quyết định yêu cầu các NH thực hiện mệnh lệnh hành chính này thì DN rất hồ hởi và ủng hộ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, chủ một DN khác cũng nhận định rằng, trong điều hành thị trường dùng nhiều biện pháp hành chính quá cũng không tốt, nhưng trong thời điểm đặc biệt như hiện nay là điều chấp nhận được. Mới đây, NHNN yêu cầu giảm LS với những hợp đồng đã vay trước đây là quyết định cực kỳ quan trọng, bởi các DN đang bị áp lực của các khoản vay trong quá khứ và điều đó đã tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của DN.

Nhưng vẫn lo!

Vì sao nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được mức vốn với LS theo quy định của Nhà nước, theo ông Nghĩa thì bản thân NH cũng là một DN nên họ cũng muốn thu lợi nhuận cao. Vì thế, nếu Nhà nước để cho DN tự điều tiết thì sẽ chậm và khó, còn nếu Nhà nước làm quyết liệt, yêu cầu DN điều chỉnh mức LS những khoản vay trước đây xuống dưới 15% thì tất cả các DN đều rất ủng hộ. Hiện tại, một số DN không có tài sản bảo đảm thế chấp để vay nên khó tiếp cận được vốn của NH. Tuy nhiên, nếu DN có tài sản bảo đảm thì họ có thể tiếp cận được nguồn vốn với LS nằm trong khoảng 13 - 13,5%. Còn thấp hơn nữa thì phải là những đơn vị có mức luân chuyển tiền tệ về NH tương đối lớn, qua đó NH thu nguồn tiền tệ đó vào để bù trừ LS thì mức LS mới giảm hơn.

Bên cạnh việc đón nhận những tín hiệu vui từ việc hạ LS hợp đồng vay cũ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn còn băn khoăn bởi không biết các NH thương mại đón nhận quyết định này như thế nào, phản ứng như thế nào. “Tất nhiên họ sẽ không thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng bằng cách nào đó về nghiệp vụ họ sẽ không để NH bị thiệt hại. Đó là bài toán đặt ra để làm sao NHNN phải giải được lợi ích hài hòa giữa DN và các NH trong thời điểm hiện nay. Với những lý giải nói trên cho thấy DN tuy mừng, nhưng vẫn lo bởi những quyết định đó mới chỉ ra được căn bệnh, còn bốc thuốc và điều trị như thế nào cho hiệu quả lại là chuyện khác”, đại biểu Sơn chia sẻ.

Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND bằng văn bản được tổng hợp tại kỳ họp thứ 4, HĐND khóa VIII về việc giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo quy định 13%, Chi nhánh NHNN Bình Dương cho biết tính đến thời điểm 25-6-2012, sau gần 2 tháng triển khai theo Thông tư 14/2012/TT-NHNN, trên địa bàn tỉnh đã có 70.849 DN được vay vốn ở 4 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ) với LS thấp, đạt dư nợ 3.370 tỷ đồng, trong đó 402 DN nhỏ và vừa đạt dư nợ 2.022 tỷ đồng.

NHÓM P.V KT