Gương sáng nhà giáo trên mặt trận chống dịch
(BDO) Trong những ngày dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh, các thầy cô giáo trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã không ngại khó khăn, gian khổ, xung phong vào tuyến đầu chống dịch. Tinh thần tình nguyện của các thầy, cô giáo đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, chung tay đẩy lùi đại dịch.
Thầy Đặng Hà Kiếm Anh: Xung phong đi lấy mẫu
Thầy Đặng Hà Kiếm Anh, Hiệu trưởng trường THPT Long Hòa, huyện Dầu Tiếng là tình nguyện viên tham gia hỗ trợ, chi viện cho tâm dịch TP.Thuận An trong những ngày thực hiện “khóa chặt, đông cứng”. Xung trận từ những ngày đầu, thầy Kiếm Anh cho biết: “Đoàn chúng tôi có 165 thành viên, mỗi ngày chúng tôi được phân công đi lấy mẫu (test nhanh, Realtime-PCR) ở những vùng đỏ đậm đặc. Chúng tôi bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng trong bộ đồ bảo hộ kín mít phải mặc nhiều giờ liền nhưng tất cả các thành viên nghiêm túc tuân thủ các quy định hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm tổng sàng lọc để bóc tách F0”.
Sau khi được thông báo địa điểm, số lượng lấy mẫu, thầy Kiếm Anh bắt đầu sắp xếp, phân công công việc cho các thành viên trong tổ đến địa điểm test theo hướng dẫn. Sau khi các tổ đã đến điểm lấy mẫu, thầy xuống từng điểm kiểm tra bàn giao mẫu cho địa phương. Buổi tối, các thành viên tổng hợp kết quả lấy mẫu báo về UBND TP.Thuận An và UBND huyện Dầu Tiếng. Kết quả, trong 14 ngày đoàn đã tham gia hỗ trợ lấy mẫu tại 7 địa điểm với 86.420 lượt người được lấy mẫu, trong đó thực hiện test nhanh được 38.411 người và thực hiện bằng phương pháp Realtime-PCR được 48.009 người, “bóc tách” được 1.275 F0 ra khỏi cộng đồng.
Điều vui mừng nhất là sau khi về lại địa phương Dầu Tiếng cách ly theo quy định, đoàn không có bất cứ tình nguyện viên nào bị nhiễm Covid-19. Trong suốt quá trình hỗ trợ 14 ngày, thầy Kiếm Anh luôn nhắc nhở các thành viên trong đoàn phải thật cẩn trọng. Công việc tuy có phần vất vả, nguy hiểm, xa nhà, có hôm làm xong thì trời đã tối nhưng mọi người ai cũng vui vì được đóng góp một phần công sức cho công cuộc chống dịch của tỉnh.
Nhớ lại những ngày tham gia chống dịch tuyến đầu, thầy Kiếm Anh cho biết: “Công việc tuy nhẹ nhàng nhưng lại khá áp lực vì số liệu quá nhiều, lại phải hoàn tất nhập liệu ngay nên phải chăm chú dò tìm trên danh sách viết tay để nhập vào máy tính. Những ngày đầu khá căng thẳng, các thành viên trong đoàn mắt mỏi, căng đầu với các thông tin số điện thoại, địa chỉ thường trú, tạm trú của người dân. Người lấy mẫu phải ghi lại thật chính xác, để khi xét nghiệm mẫu dương tính thì công tác truy vết, cách ly sẽ nhanh chóng, kịp thời”.
Cô Ngô Tôn Nữ Ngọc Hương: Tình nguyện viên nhiệt huyết
Cũng với tinh thần tình nguyện, cô Ngô Tôn Nữ Ngọc Hương, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xung phong vào các khu cách ly, điều trị F0 trên địa bàn huyện Dầu Tiếng để lấy mẫu xét nghiệm. Vào thời gian cao điểm dịch bệnh, huyện Dầu Tiếng chia lửa với các địa phương, tiếp nhận hơn 3.000 F0 về cách ly, điều trị, cô Hương không ngại nguy hiểm, khó khăn xung phong vào đội lấy mẫu. Để bảo đảm việc lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trong thời gian sớm nhất, cô Hương đã cùng với đồng nghiệp làm việc tới quên ăn, sáng thì đi Minh Thạnh, Minh Hòa, Minh Tân chiều lại về Thanh An, Thanh Tuyền, Bến Súc. Không quản khó khăn, hiểm nguy, lực lượng giáo viên trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia cùng với các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Cô Ngô Tôn Nữ Ngọc Hương cho biết: “Nhiệm vụ tuy có nguy cơ cao lây nhiễm nhưng từng ngày trôi qua, khi thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn trong tầm kiểm soát tốt hơn, tôi thấy rất vui vì có một phần công sức của tôi và đồng nghiệp”.
Ngoài tinh thần tình nguyện xung phong tuyến đầu chống dịch, cô Hương còn là giáo viên có nhiều sáng tạo trong thiết kế bài giảng trực tuyến cho học sinh. Thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, cô Hương luôn đồng hành cùng nhà trường, các em học sinh nỗ lực hết mình, đa dạng hóa các hình thức học tập cho các em trên nền tảng công nghệ thông tin. Trong khó khăn cô Hương không ngừng học tập, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy trực tuyến. Trong các giờ học, cô đã khéo léo lồng ghép các bài thơ, truyện ngắn viết về thực tiễn cuộc sống để các em cảm thụ và khơi gợi tình yêu văn chương của học trò.
Đặc biệt, trước mỗi bài giảng, cô chuẩn bị các hoạt động dạy học cũng như các trò chơi, video clip với các hoạt động khởi động vui nhộn tạo bầu không khí thoải mái trong lớp học. Cô luôn cài chế độ hình ảnh nổi lên màn hình chính, luôn tương tác với học sinh, ghi nhận và khen thưởng trong quá trình dạy học để tạo mối thân thiện giữa giáo viên và học sinh, kích thích tính ham học, sáng tạo của học sinh.
HOÀNG LINH - D.TIẾNG