Gương phụ nữ làm kinh tế giỏi
Chị Phạm Thị Gái sinh ra và lớn lên tại xã Lạc An. Năm 22 tuổi, chị lập gia đình với một người cùng quê, do hoàn cảnh hai gia đình đều khó khăn nên khi ra riêng, vợ chồng chị không có “mảnh đất cắm dùi”. Hai vợ chồng chị đã làm lụng vất vả để kiếm sống, mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng.
Theo chị Gái “Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”
May mắn khi ông Nguyễn Văn Cư người cùng ấp, thương cảm đã bán trả chậm cho vợ chồng chị 1,5 ha đất. Bản tính cần cù, siêng năng cộng với sự hỗ trợ của gia đình ông Cư, vợ chồng chị như “diều gặp gió”. Anh chị đã tận dụng quỹ đất, trồng nhiều loại hoa màu để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học và trả nợ. Tuy nhiên, các loại hoa màu không cho hiệu quả kinh tế cao và thường xuyên bị thua lỗ. Đứng trước khó khăn đó, chị Gái không nản chí, tiếp tục động viên chồng bắt tay gầy dựng cuộc sống. Từ sách báo, nghe đài kết hợp với việc tham quan, tìm hiểu các mô hình làm kinh tế trong và ngoài huyện, chị phát hiện thổ nhưỡng ở đây phù hợp với phát triển cây bưởi. Năm 2000, chị đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Uyên đầu tư mua giống bưởi 5 roi về trồng.
Những ngày đầu chập chững trồng bưởi, chị đã đến các xã Hiếu Liêm, Bạch Đằng để tìm hiểu cách trồng và chăm sóc bưởi 5 roi. Khi bưởi cho thu hoạch thì giá bưởi không cao và đầu ra khó. Không nản chí, chị đã chuyển sang trồng bưởi da xanh, bưởi đường cam. Những ngày rảnh, chị đến xin làm thêm tại các vườn bưởi trong và ngoài xã để học hỏi kinh nghiệm. “Bưởi da xanh lúc đó rất ít người trồng nên mua giống cũng hơi khó, nhờ người quen giới thiệu tôi mua được 60 nhánh về trồng thử. Do đã tích lũy được vốn kinh nghiệm tương đối, nên sau gần 2 năm chăm sóc vườn bưởi thích nghi và phát triển tốt. Sau đó, tôi mua thêm về trồng”.
Chị Gái chia sẻ, để cây bưởi da xanh phát triển tốt, ăn bền, cho năng suất cao, trái đẹp, khâu chọn giống trước khi trồng là rất quan trọng. Đối với đất trồng cũng phải thích hợp, để tránh bệnh vàng lá thối rễ khi trồng bưởi phải đắp mô cao độ khoảng 6 tấc, ngang 6 tấc. Trước khi đặt nhánh bưởi xuống trồng nên dùng phân bón hữu cơ vi sinh kết hợp với vôi bột và thuốc trị nấm TRICÔ-ĐHCT nhằm giúp cây phát triển tốt và phòng trừ sâu bệnh tấn công. Đối với việc chăm sóc cây bưởi da xanh thực ra không khó nhưng để cây cho trái đạt chất lượng, bóng đẹp được thị trường ưa chuộng ngoài sử dụng nước tưới hợp lý cách 2 ngày tưới một lần vào mùa nắng, đòi hỏi phân bón cũng phải sử dụng phù hợp. Khi cây còn nhỏ mỗi tháng rải phân một lần và sau đó 2, 3 tháng rải một lần. Khi cây phát triển và cho trái cỡ bằng trái chanh, để phòng ngừa sâu bệnh và dưỡng cho lá xanh tốt, tôi dùng thuốc xịt dưỡng lá kết hợp thuốc trừ sâu. Đặc biệt khi phát hiện thời tiết thay đổi hay có sương mù... nên dùng thuốc xịt ngừa trước để phòng bệnh cho cây”.
Sau 6 năm trồng bưởi da xanh, hiện nay, mỗi năm vườn bưởi cho thu hoạch hơn 12 tấn trái mang lại nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Qua đó cho thấy, những giọt mồ hôi và công sức bỏ ra của gia đình chị đã được đền đáp xứng đáng và mang lại cho gia đình chị khoản thu nhập cao. Là một hội viên phụ nữ, không những chỉ biết làm giàu cho bản thân gia đình, chị Gái luôn thể hiện rất rõ tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái sẵn sàng giúp đỡ chị em có hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn, thiếu vốn sản xuất... cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
TỐ TÂM