Gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi: Người tâm huyết với cây măng cụt Lái Thiêu
(BDO) Lái Thiêu (TX.Thuận An) được nhiều người dân trong cả nước biết đến là địa phương nổi tiếng về cây ăn trái, đặc biệt là măng cụt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, năng suất măng cụt của Lái Thiêu giảm rất nhiều so với những năm trước do thời tiết thay đổi. Trước sự đỏng đảnh thất thường của thời tiết, những nông dân kỳ cựu tại Lái Thiễu vẫn không nản lòng, mà trái lại quyết tâm bám vườn với mong muốn giữ gìn và phát triển vườn cây nổi tiếng của quê hương. Ông Đặng Văn Quý, một nông dân có hơn 40 năm gắn bó với vườn cây măng cụt, là một người như thế.
Ông Đặng Văn Quý thường xuyên theo dõi vườn măng để kịp thời phát hiện bệnh và tìm cách điều trị, không để ảnh hưởng tới vườn cây
Tìm đến nhà ông Đặng Văn Quý (65 tuổi, ấp An Mỹ, xã An Sơn) trong cơn mưa chiều lất phất, tôi thấy ông vẫn mãi mê với công việc. Nghe tiếng ngỗng kêu, biết có khách ông dừng tay tiếp chúng tôi. Ông Quý cho biết gia đình ông có hơn 4 ha đất vườn trồng măng cụt. Trước kia, để lấy ngắn nuôi dài ông tận dụng khoảng trống giữa các hàng cây măng để trồng xen một số loại cây ăn trái khác như sầu riêng, mít, bòn bon nhằm tạo nguồn thu cho gia đình. Mặc dù trồng nhiều thứ cây ăn trái trên cùng diện tích, nhưng ông Quý khẳng định măng cụt vẫn là cây chủ lực tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Chỉ vào căn nhà khang trang, ông Quý nói: “Nhờ có cây măng cụt mà gia đình tôi mới có căn nhà này”. Ông cho biết với khoảng cách 10m mỗi cây, thì diện tích 4 ha có thể trồng được 400 gốc măng cụt, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng/ha. Tôi nhẩm tính, với 4 ha trồng măng cụt, mỗi năm sẽ mang lại thu nhập cho gia đình ông Quý khoảng 200 triệu đồng. Ông Quý chia sẻ, để cây măng luôn tươi tốt thì phải chịu khó học hỏi kỹ thuật ở các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, kết hợp với kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, người làm vườn phải chú ý từ những vấn đề nhỏ nhất như cỏ rác trong vườn phải luôn được làm sạch, hệ thống kênh mương cũng cần được nạo vét thường xuyên… thì cây măng mới phát triển.
Hai năm trở lại đây do thời tiết diễn biến thất thường, cùng với nguồn nước bị ô nhiễm đã ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất măng cụt. Trước tình hình đó, nhiều người bỏ vườn hoặc chuyển đổi sang nghề khác, nhưng ông Quý vẫn kiên quyết bám vườn. “Dù khó khăn cách mấy tui cũng quyết giữ lại vườn cây măng cụt. Con cái tui được ăn học đến nơi đến chốn là nhờ cây măng cụt. Đời ông cố, ông nội, rồi đến đời cha tui sống được cũng nhờ cây măng cụt, nên tui quyết giữ lại vườn cây cho con cái đời sau”, ông nói với giọng chắc nịch. Rồi ông cho biết thêm, trách nhiệm của ông là phải giữ gìn, tái lập lại lại vườn cây măng cụt như trước. Nếu không làm được điều đó xem như có lỗi với tổ tiên. Nhận thức được ý nghĩa, giá trị to lớn của thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu”, ông Quý cho biết sẽ giáo dục thế hệ con cháu sau này phải ráng giữ gìn vườn cây măng cụt, không chạy theo xu hướng thị trường mà phá bỏ vườn cây tổ tiên đã bao đời gầy dựng.
Với tâm huyết giữ gìn, ông Quý đã dốc sức chăm sóc vườn cây của gia đình và không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây măng với bà con lối xóm. Tâm huyết với vườn cây là vậy, nhưng khi chính quyền địa phương vận động hiến đất để làm đường, ông Quý không ngần ngại hiến tặng hàng trăm mét vuông đất để làm đường với suy nghĩ đơn giản: “Mình không hiến đất làm đường sao vận động được người khác hiến…”. Từ những việc làm này, ông Quý được nhiều người ở An Sơn biết đến là hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương. Bên cạnh công tác xã hội, ông Quý còn vinh dự được Hội Nông dân TX.Thuận An trao tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2014-2016”. Thành tích này đã giúp ông giữ vững danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thị trong suốt 15 năm liền.
AN THẠCH