Bà Trịnh Thị Hạnh, Nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Lai Uyên, Huyện Bàu Bàng:
Gương mẫu, khéo vận động hội viên
(BDO) Từ quê hương Phú Thọ, năm 1993 gia đình bà Trịnh Thị Hạnh đến với vùng đất Lai Uyên, huyện Bến Cát (nay là huyện Bàu Bàng) lập nghiệp. Từ những ngày đầu tham gia sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ ấp 2B (nay là ấp Bàu Hốt), bà đã thể hiện sự nhiệt huyết trong phong trào của hội tại ấp cũng như của xã Lai Uyên.
Bà Trịnh Thị Hạnh (bìa trái) tại hội nghị tổng kết 5 năm phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc tại Hà Nội (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đến từng ngõ, gõ từng nhà
Bà Hạnh cho biết, thời điểm những năm 1993-1997, kinh tế còn nhiều khó khăn, chị em phụ nữ chỉ lo làm ăn, có người còn “chạy ăn từng bữa” nên không có mấy ai tham gia các hoạt động của hội. Do đam mê hoạt động, nên dù khó khăn bà vẫn tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động do Hội LHPN xã phát động. “Để tham gia đầy đủ các hoạt động của hội, tôi phải lo hoàn tất các công việc ở gia đình. Cũng may được chồng và các con ủng hộ, nên nhiều khi có công việc đột xuất, chồng và các con còn giúp làm việc nhà để tôi an tâm lo việc xã hội”, bà Hạnh kể.
Được sự động viên của Hội Phụ nữ xã, bà Hạnh đã mạnh dạn đi vận động các chị em tham gia sinh hoạt tổ chức hội. Đến năm 1997, bà được các hội viên bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 2B. Thực hiện lời dạy của Bác “Làm cho người nghèo đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu hơn”, bà Hạnh đã cùng với Chi hội Phụ nữ ấp, Hội LHPN xã thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. “Giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn không chỉ đơn giản là đưa cho họ một số vốn mà còn phải giúp họ sử dụng số vốn đó hiệu quả, nếu không thì cũng như tiền vào nhà khó, gió vào nhà trống mà thôi”, bà Hạnh cho biết.
Để vận động các chị em tham gia các hoạt động phong trào, bà đã đến từng gia đình, gõ cửa từng nhà để giải thích, vận động chị em. Những năm trước đây, nhất là thời điểm chưa có điện, đường sá đi lại chỉ là những con đường mòn, mưa là ngập nước. Chị em lúc đó kinh tế chủ yếu làm rẫy, cạo mủ cao su nên buổi tối mới gặp được, nhiều lúc trời mưa to, gió lớn bà vẫn đến nhà từng người, vì là cán bộ mà thất hứa không đến thì họ sẽ không tin, lần sau có nói gì cũng không thuyết phục được. Bên cạnh đó, bà còn linh hoạt xây dựng kế hoạch sinh hoạt riêng cho từng nhóm, theo từng công việc để có biện pháp vận động tốt nhất. Do công việc của mỗi chị em đều khác nhau, có người làm rẫy, có người buôn bán, có người làm giáo viên nên bà thường lập thành nhóm những chị em có cùng công việc để thuận tiện cho việc chọn thời gian, địa điểm sinh hoạt.
Xây dựng nhiều mô hình hiệu quả
Với hơn 18 năm đóng góp cho phong trào hội, bà Hạnh đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh và các ngành dành cho nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu là bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam vì đã đạt thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc giai đoạn 2002-2007; bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vì đã đạt tiêu chuẩn “Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tiêu biểu 5 năm liền (2005-2010)... |
Qua thời gian công tác, với sự tín nhiệm, bà Hạnh được các hội viên tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã từ năm 2001-2005 và giữ vị trí Chủ tịch Hội LHPN xã từ năm 2006-2015. Với vai trò là Chủ tịch hội, bà càng tăng cường các hoạt động giúp đỡ hội viên. Ngoài các chương trình hỗ trợ từ cấp trên như vay vốn, đào tạo, dạy nghề... bà cùng với các thành viên chi hội phụ nữ các ấp xây dựng các chương trình hoạt động khác, như “Hũ gạo tình thương”, “Góp vốn quay vòng”, “Heo đất hiếu học”... để giúp đỡ các hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Bà Hạnh cho biết, tuy số vốn quay vòng không nhiều nhưng về cơ bản cũng giúp cho các chị em nghèo, chị em có hoàn cảnh khó khăn có một số vốn nhỏ để sản xuất, buôn bán nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Riêng mô hình “Heo đất hiếu học” đã giúp đỡ nhiều con em của các hội viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện mua sắm tập vở để tiếp tục đến trường.
Để các phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững”... đạt kết quả cao, bà đã cùng với chi hội phụ nữ các ấp thường xuyên đến từng gia đình để vận động đăng ký tham gia, giải thích cho các gia đình, hội viên hiểu rõ ý nghĩa, mục đích... của các phong trào và cuộc vận động, từ đó tỷ lệ phụ nữ tham gia các phong trào luôn đạt 100%. Ông bà ta đã có câu “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”, do vậy với vai trò là người vợ, người mẹ, ngoài công việc của một cán bộ hội, bà Hạnh luôn dành thời gian để chăm sóc gia đình. Công việc của hội thường chiếm rất nhiều thời gian, nhưng bà vẫn sắp xếp công việc để lo cho gia đình. Bà bảo, nhiều lần đi công tác về mệt nhưng thấy cảnh gia đình quây quần bên mâm cơm là mọi mệt nhọc dường như tan biến.
Tuy đã nghỉ hưu nhưng với sự nhiệt huyết của một cán bộ hội, bà Hạnh vẫn thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm vận động, điều hành các hoạt động của hội với chị em cán bộ hội. “Khi hội cần thì tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ chị em theo khả năng của mình. Nhớ lúc trước, kinh tế gia đình còn khó khăn, nhiều lúc muốn bỏ công việc của hội, nhưng được cấp trên và hội viên động viên tôi lại cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giờ tôi chia sẻ kinh nghiệm với chị em cán bộ hội là để hoạt động của hội ngày càng phát triển, góp phần giúp đời sống của các chị em khá lên”, bà Hạnh tâm sự.
HOÀNG PHẠM