GS Nguyễn Chí Bền: Cụ Đồ Chiểu là danh nhân có tầm ảnh hưởng thế giới

Thứ bảy, ngày 14/08/2021

(BDO)

Khu Di tích danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre. (Ảnh: Thế giới di sản)

Ban Thư ký của UNESCO đã thông qua văn bản về việc kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888). Lễ kỷ niệm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1/7/2022. Đáng chú ý, các nhà khoa học từ 4 nước Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cùng tham dự sự kiện này.

Hồ sơ đề nghị UNESCO kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre thực hiện (ông đã dành phần lớn cuộc đời tại đây) và giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trực tiếp xây dựng nội dung. Ông đã có chia sẻ với phóng viên về những chặng đường tiến tới lễ kỷ niệm này.

4 quốc gia đồng thuận

- Xin ông cho biết quá trình xây dựng hồ sơ về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đệ trình UNESCO đã diễn ra như thế nào?

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Bền: Ban Thư ký của UNESCO đã thông qua văn bản về việc kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Tại phiên họp của Đại hội đồng UNESCO vào tháng 11/2021, Nghị quyết về sự kiện này sẽ chính thức được thông qua.

Từ năm 1956, UNESCO đã tham gia vào việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử và các danh nhân lỗi lạc của các nước, khẳng định tầm quan trọng và sự công nhận trên bình diện thế giới đối với các cá nhân hoặc sự kiện này. Mục đích là tôn vinh các cá nhân, sự kiện đã có đóng góp vào phát triển văn hóa và giúp cho việc tăng cường hiểu biết quốc tế, tạo nên sự gần gũi giữa các dân tộc và đóng góp cho hòa bình thế giới.

Việc UNESCO tham gia vào việc kỷ niệm các danh nhân lỗi lạc cùng các nước thành viên được thực hiện theo các tiêu chí cụ thể như: Kỷ niệm năm sinh hoặc năm mất của danh nhân tính chẵn theo 100 năm, 150 năm hoặc 200 năm... Mỗi năm một quốc gia được đề xuất kỷ niệm 2 cá nhân hoặc sự kiện, ưu tiên về vấn đề bình đẳng giới. Hồ sơ danh nhân của mỗi quốc gia phải được 2 quốc gia thành viên UNESCO đồng giới thiệu.

Thực tế, hồ sơ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam đã được 4 quốc gia đồng giới thiệu là Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Khu Di tích danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre. (Ảnh: Thế giới di sản)

- Vì sao hồ sơ của Việt Nam có thể thuyết phục đến 4 quốc gia đồng thuận?

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Bền: Hồ sơ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tập trung mô tả những ảnh hưởng từ phẩm chất của ông tới khu vực và tác động toàn cầu, lý giải vì sao ông xứng đáng được nhân dân Việt Nam và thế giới ngưỡng vọng.

Ông là tấm gương cho những người tàn tật trong khu vực và toàn thế giới, không khuất phục trước số phận không may mắn. Dù mắt mù lòa, ông vẫn tự học qua người thân các tri thức Nho giáo, tri thức nghề thuốc đông y để hành nghề. Ông chính là tấm gương thể hiện tư tưởng “học suốt đời” của UNESCO. Ông cũng là nhà thơ với những lo lắng cho con người trong thời loạn. Đó là một thái độ nhân văn cần nêu cao khi thế giới vẫn có khả năng xuất hiện các cuộc chiến tranh quốc gia và khu vực. Ông viết chân thực về nỗi đau khổ mà họ phải chịu đựng.

Ông là nhà văn hóa với triết lý được chép thành sách. Triết lý này có phần vỏ là Nho giáo, lõi là triết lý sống của người Nam bộ nói riêng, người Việt Nam nói chung, đó là không màng danh lợi, giữ khí tiết, luôn sống vì mọi người. Ông đại diện cho việc tiếp nhận và đổi mới tư tưởng Nho giáo của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Năm 1864, nhà nghiên cứu Pháp G. Aubaret đánh giá truyện thơ “Lục Vân Tiên” “chứa đựng những tình cảm, khát vọng chẳng mấy khi tìm thấy trong tinh thần Trung Quốc… Cuốn sách có ưu điểm lớn là diễn tả được trung thực những tình cảm của cả một dân tộc.”

Nguyễn Đình Chiểu là một danh y, một thầy thuốc mẫu mực, chăm lo cho người bệnh, đọc cho người nhà chép y lý truyền cho người xung quanh. Quan điểm của ông là lấy số phận con người làm nội dung, đạo đức của người thầy thuốc là không màng danh lợi...

Bản báo cáo khoa học do tôi chuẩn bị, nhưng có sự tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học trong nước. Bản tiếng Anh do các chuyên gia ở Vụ Văn hóa Bộ Ngoại giao và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam góp ý sửa chữa.

Tôi cho rằng vai trò của Đại sứ Việt Nam tại UNESCO, bà Lê Thị Hồng Vân, cũng rất quan trọng trong quá trình này. Đại sứ đã giới thiệu hai cuốn sách của tôi về Cụ Đồ Chiểu bằng các ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Nga. Đó là cơ sở để Đại sứ các nước và Ban thư ký của UNESCO hiểu hơn về danh nhân của chúng ta.

Còn nhiều việc phải làm

- Trước mắt, chúng ta sẽ phải chuẩn bị những gì cho lễ kỷ niệm vào năm 2022, thưa ông?

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Bền: Theo hồ sơ quốc gia đã đệ trình UNESCO, việc kỷ niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022 có ba hoạt động. Một là tổ chức trưng bày thực về con người sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu tại Việt Nam và gửi trưng bày ảo về trụ sở UNESCO ở Paris trước phiên họp Đại hội đồng. Hai là tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về con người và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu tại Việt Nam vào đầu tháng 3/2022. Ba là tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể vào 1/7/2022.

Trong bối cảnh COVID-19 như hiện nay, nếu chúng ta không tổ chức được trưng bày thực thì làm sao có trưng bày ảo? Toàn thế giới bị tác động bởi dịch bệnh khiến trưng bày ảo càng có vai trò quan trọng. Các đại sứ của gần 200 quốc gia thành viên của UNESCO phải có cơ hội hiểu về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu thì số phiếu thuận mới cao. Đại hội đồng mới có thể thông qua Nghị quyết.

Về hội thảo quốc tế, tôi nghĩ rằng thời gian chuẩn bị không còn nhiều. Chúng ta cần đặt ra hai tình huống. Nếu dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng thì tổ chức hội thảo trực tuyến. Nếu điều kiện cho phép thì tổ chức trực tiếp. Dù ở tình huống nào, chúng ta vẫn phải có sự tham gia của các học giả quốc tế, không chỉ từ 4 nước đồng thuận mà còn phải mời các nhà khoa học ở các nước khác như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Pháp, Anh…

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Bền. (Ảnh: VICAS)

- Xin ông chia sẻ thêm về cảm xúc cũng như động lực của mình xung quanh những công việc quan trọng sắp tới?

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Bền: Tôi gắn bó với Bến Tre trong suốt thời trai trẻ (1977-1990), có nhiều nghiên cứu về con người, sự nghiệp Cụ Đồ, từng được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tặng giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu năm 2017. Tôi cũng có kinh nghiệm tham gia xây dựng các hồ sơ quốc gia trình UNESCO. Khi tỉnh đề nghị tôi tiếp tục xây dựng hồ sơ về Cụ Đồ, tôi nhận lời dù đây là một trọng trách nặng nề. Tỉnh cũng rất quyết tâm và tạo điều kiện tốt cho tôi hoàn thành công việc của mình.

Cho tới thời điểm này, Việt Nam đã có các danh nhân văn hóa kiệt xuất được UNESCO khuyến khích thế giới kỷ niệm năm sinh là: Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Nguyễn Trãi, nhà giáo dục Chu Văn An.

Để UNESCO ra Nghị quyết thế giới cùng kỷ niệm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta còn nhiều việc phải làm, và phải làm thật hiệu quả trong mấy tháng tới. Cá nhân tôi sẽ mang hết hiểu biết và tâm huyết của mình cho công việc này./.

Theo TTXVN