Góp ý dự thảo luật đất đai (sửa đổi): Nhiều ý kiến cụ thể, xác thực

Thứ năm, ngày 18/04/2013

Mạch lạc, cụ thể, rõ ràng, hợp lý là ý kiến chung của các tổ chức, cá nhân sau một tháng tổ chức góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...

Bổ sung khái niệm rõ ràng, thống nhất

Là chương quy định chung nên chương I của dự thảo luật nêu rõ phạm vi, đối tượng áp dụng; trong đó có sửa đổi, bổ sung các khái niệm bảo đảm rõ ràng, thống nhất trong quá trình quản lý sử dụng đất. Tuy nhiên, có 64 ý kiến đề nghị luật nên bổ sung hoặc sửa đổi để tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở các cấp, cũng như việc sử dụng đất của người sử dụng đất. Chẳng hạn như bổ sung quy định mọi hành vi, giao dịch về sử dụng đất đai phải thông qua cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai theo thẩm quyền; quy định rõ độ tuổi của cá nhân được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy định rõ hơn về quyền lợi của người có công khai hoang phục hóa đưa đất vào sử dụng có hiệu quả; điều chỉnh quy định căn cứ để xác định loại đất nhằm tạo sự rõ ràng giúp mọi tầng lớp nhân dân tự xác định được loại đất mình đang sử dụng. Đồng thời, căn cứ để xác định loại đất cần phải dựa vào yếu tố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; bổ sung quy định nghiêm cấm đối với hành vi bỏ hoang quá 2 năm đối với đất trồng cây lâu năm và 1 năm đối với đất trồng cây hàng năm.

Đối với quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai, có 488 ý kiến kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung cho phép công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất từ 50 năm trở lên; không nên quy định diện tích khi tách thửa. Đối với việc sử dụng đất nông nghiệp, nhiều ý kiến xoay quanh các nội dung như đề nghị tăng hạn điền, tăng thời hạn giao đất nông nghiệp để nông dân yên tâm sản xuất; cho phép người nông dân được tích tụ ruộng đất tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, thuận lợi cho đầu tư khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với thực tiễn

Đề cập chương IV của dự thảo luật, có 52 ý kiến đóng góp đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số quy định này cho phù hợp với thực tiễn và dễ áp dụng trong nhân dân. Cụ thể như nên quy định sự tham gia của người dân trong quá trình lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để quy hoạch sát thực tế và tránh việc lập quy hoạch sử dụng đất đai tràn lan. Sau 3 năm dự án được công bố quy hoạch nhưng chủ đầu tư không triển khai thực hiện thì người dân có đất nằm trong quy hoạch được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; đồng thời chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại cho người có đất nằm trong quy hoạch trong thời gian bị hạn chế về quyền.

Quy hoạch cần bảo đảm các yếu tố như: “Phát triển bền vững”; “Bảo đảm cho người nghèo, đối tượng xã hội tham gia vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và tiến bộ xã hội”; “Bảo đảm cân đối hài hòa lợi ích giữa 3 nhóm chủ thể tham gia quan hệ đất đai, bao gồm Nhà nước vừa với tư cách là đại diện chủ sở hữu, vừa với tư cách là cơ quan quản lý về đất đai; người có đất và nhà đầu tư”. Nhiều ý kiến còn đề nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế quản lý, sử dụng đất hiện nay.

Công bằng khi thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

So với Luật Đất đai năm 2003, quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại Chương VI đã được luật hóa một số điều tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP và Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm phù hợp với thực tiễn của công tác quản lý, sử dụng đất. Có 472 ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số quy định các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, trong đó có trường hợp “Xây dựng các công trình quốc phòng - an ninh khác do Chính phủ quy định”; bổ sung trường hợp xây dựng “nhà ở thu nhập thấp” thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; cần phải thực hiện trưng mua bảo đảm ngang giá thị trường khi thu hồi giao cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần. Luật cần quy định Chủ tịch UBND các cấp ủy quyền cho cấp phó trong việc giao đất, thu hồi đất, đồng thời quy định trách nhiệm liên đới của Chủ tịch và Phó Chủ tịch được ủy quyền và phân cấp quản lý đối với quỹ đất thu hồi như: Đất thu hồi do vi phạm pháp luật đất đai do cấp tỉnh thu hồi thì giao cho tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh quản lý đối với đất thuộc khu vực đô thị, giao tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện quản lý đối với đất thuộc khu vực nông thôn để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đất do UBND cấp huyện quyết định thu hồi thì giao cho tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện quản lý để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Luật quy định rõ quy trình các bước công khai nhằm tạo sự đồng thuận của người sử dụng đất qua đó hạn chế khiếu nại, tố cáo phát sinh...

Nhìn chung, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tương đối mạch lạc, cụ thể, rõ ràng, hợp lý và xác thực. Vì thế, hầu hết ý kiến đều thống nhất với tên gọi, bố cục và kỹ thuật xây dựng Luật Đất đai.

MAI HUY - T.THẮNG