Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Đi tìm tiếng nói chung – Bài 3
(BDO) Bài 3: Tiếp tục lắng nghe ý kiến nhiều chiều
Tại hội nghị lấy ý kiến cán bộ công đoàn, công nhân lao động về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có rất nhiều ý kiến đa chiều, cần có sự cân nhắc kỹ để bảo đảm quyền lợi người lao động (NLĐ) tốt hơn. Dịp này, phóng viên đã ghi nhận ý kiến của ông Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh xoay quanh những vấn đề mà NLĐ quan tâm.
Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến cán bộ công đoàn, công nhân lao động về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Ảnh: T.THẢO
Tăng giờ làm thêm chỉ là giải pháp tình thế
Theo ông Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thời gian qua, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, nhất là các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của bộ luật. Nhiều hội nghị, hội thảo trước và sau kỳ họp thứ 7, nhằm hoàn thiện dự thảo luật đã thu hút rất đông đại biểu tham dự cho thấy sức “nóng” của những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đặc biệt là các vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tăng khung giờ làm thêm và chế độ cho lao động nữ.
Đối với vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, ngoài đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo sửa đổi có khoản mở cho NLĐ trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt được quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định; đồng thời NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý... có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn so với quy định. Đây là độ co dãn hợp lý, linh hoạt để NLĐ trên cơ sở đó có quyền lựa chọn cho phù hợp.
“Chúng ta cũng thấy điều kiện để nghỉ hưu sớm hơn quy định khá rộng. Không phải chỉ những công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động cũng được quyền nghỉ hưu sớm hơn quy định. Cho nên NLĐ không nên quá lo lắng đối với vấn đề trên. Tuy nhiên, theo tôi cần tiếp tục lắng nghe thêm nhiều chiều, bao phủ đầy đủ các đối tượng, các ngành, các lĩnh vực và đánh giá tác động các chế định này đối với thị trường lao động nói chung là điều mà ban soạn thảo cần phải thận trọng triển khai để có báo cáo đầy đủ cho Quốc hội” ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, về tăng giờ làm thêm, cần phải nhìn nhận đây là nhu cầu có thật xuất phát từ thực tiễn của cả hai phía, cả NLĐ và người sử dụng lao động, đặc biệt đối với các ngành nghề thâm dụng lao động như may, da giày... Tuy nhiên, cần nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời nhằm bảo đảm giải quyết yêu cầu sản xuất. Về lâu dài phải chấn chỉnh, đổi mới, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, nhất là các ngành nghề thâm dụng lao động. Chỉ có con đường nâng cao năng suất mới đưa lại thu nhập cao mà không phải thông qua con đường tăng giờ làm, đây là giải pháp căn cơ để NLĐ thoát bẫy thu nhập thấp do công nghệ lạc hậu, đặc biệt ở các khu vực thâm dụng và nhất là hướng tới mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình của quốc gia.
Về chính sách đối với lao động nữ, qua ghi nhận từ thực tiễn, các doanh nghiệp Nhật thực hiện tốt chính sách đối với lao động nữ, qua đó làm cho NLĐ an tâm làm việc và thụ hưởng nhiều thành quả trên cơ sở những đóng góp của mình đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, mặt bằng chung thì chính sách đối với lao động nữ tại nhiều công ty chưa tốt, còn nhiều vi phạm các chính sách, quy định của pháp luật đối với lao động nữ, ảnh hưởng tiêu cực trong thực thi bình đẳng giới. Do đó, ngoài việc hoàn thiện các chính sách đối với lao động nữ cần phải có những chế tài đủ mạnh nhằm bảo đảm những gì NLĐ nữ phải được hưởng khi tham gia thị trường lao động theo quy định của pháp luật và phù hợp thông lệ quốc tế.
Ông Nhân cho biết thêm, không chỉ riêng Bình Dương, Bộ luật Lao động (sửa đổi) sau khi có hiệu lực thi hành sẽ có những tác động sâu rộng trong đời sống xã hội của cả nước. Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, các vị ĐBQH tỉnh đã phát biểu rất nhiều ý kiến tại phiên họp tổ và thảo luận tại hội trường về các điều khoản của dự thảo sửa đổi, nhất là các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trên cơ sở thực tiễn của tỉnh và các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, trong công tác tổ chức hội nghị góp ý luật, ngoài hội nghị do đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức trong tháng 7 vừa qua, đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã lên kế hoạch tổ chức các hội nghị khác nhằm tiếp tục lắng nghe sâu rộng các ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, các nhà quản lý nhằm hoàn thiện dự thảo trình kỳ họp thứ 8; đồng thời tiếp tục có ý kiến cũng như bảo vệ các chính kiến của mình, làm hài hòa lợi ích của NLĐ và người sử dụng lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong trường hợp vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trong 10 nhóm vấn đề lớn, quan trọng còn có ý kiến khác nhau, đoàn ĐBQH tỉnh sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét, tiếp tục thảo luận và sẽ thông qua tại kỳ họp giữa năm 2020 thay vì cuối năm nay.
Nhu cầu của cả hai phía
Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết Bình Dương có đặc thù là tỉnh có đa số công nhân lao động là người ngoài tỉnh đến sinh sống, làm việc và tập trung chủ yếu trong các doanh nghiệp may mặc, giày da, chế biến gỗ. Đây là các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng xuất khẩu nên phụ thuộc vào đơn hàng, cần sự linh hoạt trong bố trí sản xuất và có sự thiếu hụt tạm thời về lao động. Đây cũng là khu vực tiền lương thấp do sử dụng lao động phổ thông, doanh nghiệp tự đào tạo nghề trong quá trình làm việc là chủ yếu.
Chính những đặc điểm này dẫn đến nhu cầu làm thêm giờ đến từ hai phía, NLĐ và người sử dụng lao động. Trong đó, NLĐ mong muốn làm thêm để có thêm thu nhập đủ trang trải cuộc sống và có tích lũy khi còn trẻ. Vì vậy, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ phải đi đôi với các quy định nhằm bảo đảm thời giờ nghỉ ngơi và bảo vệ quyền lợi về tiền lương của NLĐ như giảm thời gian làm việc chính thức trong tuần từ 48 giờ xuống còn 44 giờ, tăng lũy tiến tiền lương làm thêm giờ của NLĐ. Quy định này không chỉ đáp ứng nhu cầu của cả hai phía, mà còn bảo đảm doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ phù hợp, có phương án tuyển dụng thêm lao động, không tổ chức làm thêm giờ quá nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ. Khi tiền lương làm thêm giờ tăng, NLĐ có thêm thu nhập, có tích lũy sẽ dành thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, giao lưu, học tập chứ không phải vắt kiệt sức làm thêm cho đủ sống như hiện nay.
Về tăng tuổi nghỉ hưu, theo bà Hạnh, sau khi tham khảo nhiều ý kiến của NLĐ, cho thấy những lao động trực tiếp sản xuất không đồng tình. Bởi thực tế ở các doanh nghiệp hiện nay, hơn 40 tuổi đã rất khó để làm tốt được công việc và nhiều doanh nghiệp đã không tuyển dụng lao động ngoài 35 tuổi. Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải gắn với NLĐ còn đủ sức khỏe để làm việc và doanh nghiệp cũng có nhu cầu sử dụng lao động lớn tuổi. Vì vậy theo bà Hạnh, không tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động trực tiếp hoặc nếu tăng thì phải có một cơ chế cho lao động nữ được quyền nghỉ hưu ở tuổi 55 và lao động nam được quyền nghỉ hưu ở tuổi 60. Ngoài ra, khi NLĐ cảm thấy không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì cần cho NLĐ quyền được nghỉ hưu sớm, dù họ có thể hưởng mức lương hưu thấp hơn - điều mà hiện nay luật chưa cho phép.
Trong công tác tổ chức hội nghị góp ý luật, ngoài hội nghị do đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức trong tháng 7 vừa qua, đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã lên kế hoạch tổ chức các hội nghị khác nhằm tiếp tục lắng nghe sâu rộng các ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, các nhà quản lý nhằm hoàn thiện dự thảo trình kỳ họp thứ 8; đồng thời tiếp tục có ý kiến cũng như bảo vệ các chính kiến của mình, làm hài hòa lợi ích của NLĐ và người sử dụng lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. (Ông Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh) |
THU THẢO