Góp thêm giải pháp tạo lập bản sắc quy hoạch, kiến trúc Bình Dương
(BDO) Theo Kiến trúc sư - Tiến sĩ khoa học Ngô Viết Nam Sơn, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển (TP.Hồ Chí Minh), việc quy hoạch Bình Dương trở thành một đô thị bền vững, “độc đáo”, có bản sắc phù hợp với đặc thù địa phương là tiền đề để tỉnh phát triển đô thị có tính cạnh tranh, thu hút nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chất xám và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội tốc độ cao.
Tạo lập bản sắc là hướng đi tất yếu
Kiến trúc sư - Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn cho biết xu thế cạnh tranh đô thị trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng là tất yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Đô thị có tính cạnh tranh sẽ thu hút FDI, thu hút chất xám và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội tốc độ cao. Trong những yếu tố góp phần nâng cao tính cạnh tranh đô thị thì yếu tố chất lượng sống của người dân đóng vai trò quyết định, quy hoạch và kiến trúc đóng vai trò bền vững. Hiện nay, việc quy hoạch một đô thị bền vững, độc đáo, có bản sắc phù hợp với đặc thù từng khu vực là xu hướng mà các quốc gia và địa phương đang hướng tới.
Đối với Bình Dương, việc đề xuất các giải pháp quy hoạch, kiến trúc cho một số khu vực trọng điểm của tỉnh theo tiêu chí “bản sắc” sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý, quy hoạch đô thị, quản lý kiến trúc các cấp, các ngành của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để Bình Dương phát triển những nguyên lý “kim chỉ nam” để các đơn vị tư vấn quy hoạch, thiết kế tham khảo để áp dụng trong quá trình thực thi trách nhiệm.
Một góc trung tâm đô thị TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: TIỂU MY
Để có hướng nghiên cứu này, Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn đã nghiên cứu kỹ về lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội của Bình Dương. Ông cho biết, nhiều năm liền Bình Dương có GDP tăng liên tục trên 15%, có sự dịch chuyển mạnh từ xã hội nông thôn sang xã hội công nghiệp và đô thị, lao động phi nông nghiệp chiếm xấp xỉ 80% tổng số lao động toàn tỉnh… Những yếu tố trên cho thấy Bình Dương đã có cơ cấu dân số của một thành phố. Cùng với đó, Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, các khu đô thị mới, khu dân cư đã hình thành với thiết kế kiến trúc hiện đại cùng cơ sở hạ tầng đồng bộ đã và đang làm thay đổi bộ mặt kiến trúc của Bình Dương trước đây. Đặc biệt, sự ra đời của nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học, tiểu học trên địa bàn tỉnh cũng làm cho bộ mặt của Bình Dương sôi động, góp phần vào mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh đi cùng với nâng cao hàm lượng tri thức, số lượng nguồn nhân lực thông qua chất lượng đào tạo.
Trước tình hình kinh tế - xã hội, không gian của Bình Dương phát triển nhanh đặt ra bài toán làm sao duy trì, phát triển ở mức cao hơn nữa. Một nguy cơ tiềm ẩn làm chậm dần đà phát triển của Bình Dương trong tương lai là việc phát triển quy hoạch kiến trúc theo một mô hình chung nhất cho toàn tỉnh thiếu định hướng điều chỉnh cục bộ, thiếu phù hợp với việc đáp ứng nhu cầu của cư dân các khu vực mang tính khác nhau. Từ đó, cơ hội “vàng” để phát triển bản sắc đa dạng cho các khu vực khác nhau của tỉnh rất dễ bị bỏ qua.
Phát triển, hòa nhập nhưng không hòa tan
Kiến trúc sư - Tiến sĩ khoa học Ngô Viết Nam Sơn vừa qua cũng đã đề xuất với tỉnh giải pháp bảo tồn phát huy giá trị một số trung tâm khu vực không gian truyền thống của tỉnh, các giải pháp khai thác lợi thế cảnh quan đặc thù của địa phương như sông, hồ, núi đồi, vườn cây ăn quả... Việc thực hiện một số khu vực điển hình này nhằm đem lại bản sắc riêng cho Bình Dương với Việt Nam và cả thế giới. |
Tiến sĩ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc phát triển nhiều cộng đồng ở và làm việc phục vụ các đối tượng sử dụng khác nhau nhằm đem đến hai lợi ích chiến lược: Phát triển bản sắc riêng đa dạng cho khu vực và đem lại hiệu quả kinh tế đô thị cao đóng góp cho sự phát triển kinh tế đô thị của Bình Dương.
Trên cơ sở phân loại khu vực đô thị theo quy hoạch về đô thị của Bình Dương đã được phê duyệt, tùy vào bản sắc của mỗi khu vực ông đề xuất giải pháp quy hoạch và quản lý theo nhóm cộng đồng trên cơ sở tuân theo tính an cư lạc nghiệp và mang tính đặc trưng cho trung tâm các nhóm cộng đồng: Cộng đồng các khu trung tâm đa chức năng hiện đại cần hướng đến cung cấp các tiện ích và chức năng đầy đủ như khu trung tâm TP.Hồ Chí Minh nhưng với quy mô nhỏ hơn. Chúng ta có thể xây dựng các cộng đồng loại này tại các dự án đã, đang và sắp triển khai như khu trung tâm đô thị Becamex, khu trung tâm Thành phố mới Bình Dương…
Đối với cộng đồng khu dân cư cao cấp dành cho các nhà lãnh đạo, chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh cần hướng đến việc cung cấp những tiện ích và chức năng bảo đảm các điều kiện sống và làm việc tại chỗ cho cư dân theo tiêu chí cao cấp của nước ngoài và theo yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo đó, ngoài chức năng cơ bản, khu dân cư cao cấp cần có cơ sở vật chất đặc thù như trường quốc tế, khu giao lưu, khu thể thao, hệ thống an ninh nghiêm ngặt… Còn cộng đồng các khu làng đại học tại Bình Dương không nên phát triển riêng lẻ, mà nên định hướng tổ chức thành một cụm để phát triển theo hướng trở thành làng đại học quốc gia thành phố Bình Dương trong tương lai. Trong đó, các làng này cần liên kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư, giảng viên, sinh viên, phát huy được quy mô và hiệu suất sử dụng của các cơ sở chung như thư viện, khu nghiên cứu, khu chuyên gia, trung tâm thể dục thể thao… Đây là tiền đề quan trọng của việc hình thành đại học đẳng cấp quốc tế.
Đối với cộng đồng các khu công nhân trên địa bàn tỉnh, cần được xây dựng gần khu làm việc nhằm để người lao động đi lại thuận tiện và di chuyển bằng phương tiện công cộng. Tại đây, các cơ sở dịch vụ - thương mại cần tổ chức nhỏ gọn nhưng tiện ích, khang trang, sạch sẽ với giá sinh hoạt thấp để phù hợp với túi tiền của các hộ công nhân. Riêng cộng đồng các khu bản sắc văn hóa Bình Dương như làng, vườn, khu tiểu thủ công nghiệp, làng dịch vụ du lịch giáp với các tụ điểm du lịch cần được xây dựng đầy đủ chức năng và cơ sở tiện ích cần thiết. Cộng đồng này sẽ trở thành những nơi thu hút khách du lịch đến Bình Dương và giao lưu văn hóa với địa phương.
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn, ông lưu ý việc quy hoạch và quản lý các cộng đồng nói trên phải theo các nguyên tắc an cư lạc nghiệp và mang tính đặc trưng để thu hút nguồn nhân lực đến Bình Dương, tránh tình trạng khu đô thị xây dựng rồi nhưng không người ở như đã và đang xảy ra ở một số địa phương.
Kiến trúc sư - Tiến sĩ khoa học Ngô Viết Nam Sơn từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn như Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Bắc Hà Nội, Quy hoạch đô thị mới Filinvest và nhà ga sân bay quốc tế Aquino (Philippines), Phố Đông và 2 bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), thành phố Kyoto Thế kỷ XXI (Nhật Bản), Dự án phát triển Le Havre (Montreal, Canada)…
Cha của ông là Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người châu Á duy nhất giành được giải thưởng Khôi nguyên La Mã (Grand Prix de Rome) của nước Pháp vào năm 1955 và cũng là người châu Á đầu tiên trở thành hội viên danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (AIA). Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã để lại nhiều dấu ấn kiến trúc trên khắp Việt Nam thông qua các công trình tiêu biểu như Hội trường Thống nhất ở TP.Hồ Chí Minh, Viện Hạt nhân Đà Lạt, chợ Đà Lạt, Viện Đại học Huế…
TIỂU MY (lược ghi)