Góp sức trẻ xây dựng quê hương giàu đẹp
(BDO) Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo) với tinh thần dám nghĩ, dám làm đã mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên làm giàu, góp sức trẻ xây dựng quê hương giàu đẹp.
Anh Nguyễn Đức Thành khởi nghiệp với mô hình nuôi vịt trên cạn bằng phương pháp nuôi lạnh, khép kín
Thanh niên làm kinh tế giỏi
Sau nhiều lần trăn trở tìm hướng lập nghiệp, anh Nguyễn Đức Thành (ấp 1, xã Tân Hiệp) đã khởi nghiệp thành công từ nuôi vịt trên cạn bằng phương pháp nuôi lạnh, khép kín. Anh Thành cho biết trước khi quyết định khởi nghiệp, anh dành thời gian tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình thành công. Năm 2019, anh đầu tư chuồng nuôi 5.000 con vịt giống với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 300 triệu đồng.
Mặc dù đã tìm hiểu kỹ, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình thành công nhưng khi bắt tay vào thực hiện, thời gian đầu anh Thành cũng gặp nhiều khó khăn về con giống, không phát hiện bệnh ngay từ khi vịt giống có biểu hiện ở bên ngoài để kịp thời chữa trị... Được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, đặc biệt được tham gia các lớp tập huấn về kiến thức kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, cách phòng chống bệnh cho gia cầm... do các tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức đã giúp anh có thêm nhiều kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Anh Nguyễn Đức Thành tự thiết kế, nâng cấp mô hình nuôi vịt trên cạn theo phương pháp nuôi lạnh, khép kín hoàn toàn. Theo anh Thành, phương pháp nuôi lạnh có nhiều ưu điểm hơn so với nuôi vịt theo trang trại truyền thống, bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi sạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với quy mô chuồng được nâng cấp lên nuôi 25.000 con vịt, theo hình thức nuôi gối đầu, 15 ngày anh cho xuất chuồng bán 1 lứa, tương đương 5.000 con vịt. Sau khi trừ các khoản chi phí, cứ 1.000 con vịt bán ra, anh thu lợi khoảng 60 triệu đồng.
Cùng có chung nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm giàu, anh Nguyễn Trung Thành, (ấp 1, xã Tân Hiệp) cũng đã thành công với mô hình trồng dưa lưới. Anh Thành cho biết với 4 vườn dưa lưới, tổng diện tích hơn 1.000m2, chi phí đầu tư khá lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cũng khá cao. Không chỉ trồng dưa lưới, anh Thành còn thành công với mô hình nuôi gà thịt. Với diện tích chuồng nuôi từ 8.000 - 9.000 con, mỗi đợt xuất chuồng 1.000 con, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, anh thu lợi từ 20 - 30 triệu đồng.
Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp
Thời gian qua, các hoạt động đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được Xã đoàn Tân Hiệp chú trọng quan tâm và tổ chức với nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, phong trào “Thanh niên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đã phát huy tính xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông mới tại địa phương.
Tính đến nay, lực lượng thanh niên xã Tân Hiệp đã có hơn 60 ý tưởng sáng tạo đóng góp vào Ngân hàng Ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam do Trung ương Đoàn phát động. Đặc biệt, Xã đoàn đã giới thiệu 2 mô hình chăn nuôi hiệu quả để tham gia hội thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023, trong đó có mô hình nuôi vịt trên cạn theo phương pháp nuôi lạnh, khép kín hoàn toàn của thanh niên Nguyễn Đức Thành”. (Anh Lê Minh Hải, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Hiệp) |
Anh Lê Minh Hải, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Hiệp, cho biết để hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, thời gian qua, tổ chức Đoàn đã tích cực tuyên truyền, vận động, đồng hành, hỗ trợ. Cụthể, Xã đoàn phối hợp tổ chức lớp học về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức cho ĐVTN tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo...
Trong thời gian tới, Xã đoàn Tân Hiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các phong trào thi đua để ĐVTN không ngừng nỗ lực, rèn luyện, dấn thân và khẳng định mình; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung trong Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Trung ương Đoàn; đồng thời tổ chức cho ĐVTN đi học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác thanh niên; hỗ trợ ĐVTN triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), kết nối đầu ra sản phẩm; hỗ trợ ĐVTN tiếp cận nguồn vốn vay chính sách để đầu tư, phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh tạo ra giá trị kinh tế cao cho các sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với đó, theo anh Lê Minh Hải, Xã đoàn sẽ chủ động phối hợp cùng UBND xã mở lớp đào tạo nghề cho ĐVTN phù hợp với năng lực, sở trường, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động…
ĐỖ TRỌNG - THẢO NGUYÊN