Góp phần xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại: Ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc
(BDO) Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTg về việc chọn ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, với nội dung: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trải qua 22 năm, xin bàn về một số vấn đề trong thực hiện quyết định nói trên.
Gia đình Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại
Gia đình người Việt xưa, nếu chỉ tính từ khi chuyển sang loại hình gia đình phụ quyền thì đã trải qua lịch sử hàng ngàn năm. Loại hình gia đình này có các đặc trưng chính: Là một đơn vị xã hội tương đối độc lập, dựa trên 2 mối quan hệ cơ bản, hôn nhân và huyết thống, thường có từ 3 - 4 thế hệ cùng chung sống, trong đó chủ nhân thuộc về người đàn ông (gia trưởng); vừa là một đơn vị kinh tế, vừa là một tổ chức xã hội, có những giá trị, quy tắc riêng (gia phong); là nơi tiếp thu và thực hành đầu tiên trong quá trình xã hội hóa cá nhân.
Các gia đình ở TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thi nấu ăn tại Ngày hội gia đình Việt Nam năm 2023. Ảnh: Hồng Thuận
Ông cha ta sớm coi trọng và vận hành các chức năng này, trong cơ chế: Nhà - Làng - Nước, thích hợp với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước đã góp phần sinh thành, dưỡng dục lớp lớp các thế hệ kế tiếp truyền thống dân tộc. Cùng với kiểu gia đình mẫu hệ của một số dân tộc ít người, gia đình Việt Nam đã được hình thành và phát triển với những chuẩn mực và giá trị tốt đẹp, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.
Dưới chế độ mới - Xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ, Đảng và Chính phủ luôn chú trọng chăm lo xây dựng, phát huy vai trò của gia đình trong bảo vệ và xây dựng đất nước. Ngày 10-10-1959, tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật Hôn nhân và Gia đình, Bác Hồ đã nói: Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa. Nhiều gia đình cộng lại thành một xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt.
Ngày 21-2-2005, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 49/CT về “Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; tiếp theo ngày 24-6-2021 là Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”, khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.
Nhờ đó, gia đình Việt Nam được quan tâm và đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, góp phần bồi đắp giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Những giá trị truyền thống như: Tình yêu quê hương, đất nước, thủy chung, hiếu nghĩa, đùm bọc yêu thương, kiên cường, bất khuất vượt khó khăn, thách thức… đã được giữ gìn, bồi đắp và phát huy.
Các gia đình ở TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thi trò chơi vận động thể thao. Ảnh: Hồng Thuận
Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã kéo theo sự thay đổi nhiều mặt của gia đình. Đa số gia đình được hình thành dựa trên sự luyến ái tự do, tiến bộ và được bảo đảm bằng luật pháp; sự phân công lao động và vị thế người đàn ông cũng không còn như trước, quy mô gia đình nhỏ là phổ biến (thường gọi là gia đình hạt nhân). Các gia đình có ít con, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng thân thiện, cởi mở và bình đẳng hơn; quan hệ giữa các gia đình với nhau và với các thiết chế xã hội khác cũng tiến bộ, mở và đa mục đích.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi mặt trái của kinh tế thị trường, gia đình đang tiềm ẩn và phải đối mặt với nhiều biểu hiện tiêu cực. Gia đình ngày càng kém ổn định, ly hôn tăng cao và ở thời kỳ sớm; nạn bạo hành, bạo lực trong gia đình có xu hướng tăng và diễn ra ở nhiều vùng, với cả những đối tượng có học vấn cao, thu nhập tốt. Xuất hiện ngày càng nhiều kiểu gia đình không đầy đủ, phi truyền thống (gia đình cha/mẹ đơn thân, không sinh con, hôn nhân đồng giới, hợp đồng…) đang tạo ra thách thức lớn với hệ giá trị gia đình truyền thống Việt Nam.
Xây dựng gia đình hiện đại ấm no, tiến bộ và hạnh phúc
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do mặt trái của kinh tế thị trường, du nhập những tiêu cực từ bên ngoài, cần thấy rõ những nguyên nhân từ phía chủ quan, như: Thực thi thiếu đầy đủ, còn nhiều vi phạm pháp luật về hôn nhân - gia đình; còn thiên nhiều về kinh tế, coi nhẹ văn hóa trong thực hiện chức năng gia đình; chưa chú trọng giáo dục kiến thức về gia đình cho lớp trẻ; nhiều người trẻ học theo lối sống phương Tây, quá chú trọng tự do cá nhân, thiếu đức chịu đựng hy sinh, dễ dãi trong thỏa mãn nhu cầu mà coi nhẹ bổn phận…
Gia đình anh Nguyễn Văn Phương, TP.Thủ Dầu Một là 1 trong 3 gia đình tiêu biểu của tỉnh Bình Dương được chọn tham gia Ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ năm 2023. Ảnh: Hồng Thuận
Về giải pháp, cần tích cực triển khai nghiên cứu, hoàn thiện hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới, như kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 ngày 24-11-2021 đã đề ra. Cần bố trí nội dung về công tác gia đình trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm của các đơn vị, địa phương, từ Trung ương đến cơ sở. Bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình; bố trí nguồn kinh phí thích hợp với tầm quan trọng của gia đình, coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về gia đình; rà soát, sửa đổi, điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với quá trình phát triển của xã hội và sự biến đổi gia đình. Xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các loại hình gia đình hiện nay. Cần quan tâm tốt hơn nữa đến các hộ khó khăn, dân tộc thiểu số, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh và thiên tai khắc nghiệt hiện nay. Mở rộng và nâng cao hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội; bảo đảm mọi gia đình có thể tiếp cận sự hỗ trợ của Nhà nước, ổn định cuộc sống, chăm lo giáo dục con cái và chăm sóc người cao tuổi...
Bố trí đầy đủ đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác gia đình. Có nhiều biện pháp khoa học, phù hợp để nâng cao vị thế, vai trò của đội ngũ chuyên trách công tác gia đình. Đồng thời, nên có biện pháp thu hút sự đóng góp về công sức, trí tuệ của toàn xã hội để hình thành quan điểm xuyên suốt; không nên xem gia đình là lĩnh vực riêng của cán bộ ngành, mà cần coi những vấn đề của gia đình là vấn đề của cộng đồng, xã hội.
Nam giới, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ làm tốt vai trò của họ và có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Các chính sách xã hội, các phong trào xã hội cần tạo ra những thuận lợi cho phụ nữ thực hiện vai trò kép: Vừa là người vợ, người mẹ trong gia đình, vừa đảm trách các chức phận xã hội, đoàn thể. Cần đặc biệt quan tâm xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, đặc biệt là tư tưởng coi thường phụ nữ; xử lý nghiêm nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái...
Tăng cường giáo dục về đạo đức, pháp luật, về tình yêu, đề cao trách nhiệm cá nhân, sự sẻ chia, lòng vị tha… cho toàn thể lớp trẻ trước khi họ bước vào hôn nhân. Chú trọng cả về nội dung lẫn hình thức giáo dục về hôn nhân - gia đình trong nhà trường các cấp. Xử lý nghiêm những vi phạm, tăng cường phê phán những biểu hiện trái đạo đức, kém văn minh trong quan hệ gia đình; hạn chế và tiến tới chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết; tăng cường tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương điển hình, lối sống đẹp trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Gia đình không chỉ là nơi duy trì nòi giống, mà còn là thiết chế xã hội đặc biệt, môi trường cơ bản hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách con người; là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, cung ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp bảo vệ, phát triển của đất nước. Việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay, dù còn những hạn chế nhất định, song luôn có một nền tảng chính sách, pháp lý rõ ràng, tiến bộ, với những quyết tâm cao, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Thực thi tốt các giải pháp nêu trên, tin rằng chúng ta sẽ đạt những thành tựu lớn trong xây dựng gia đình Việt Nam, với các giá trị cốt lõi: Ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. |
Phó Giáo sư - Tiến sĩ BÙI TRUNG HƯNG