Góp phần nâng cao ý thức người dân
Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) và bệnh tay - chân - miệng (TCM) (gọi tắt là chiến dịch). Theo đánh giá ban đầu, chiến dịch đã huy động các cấp chính quyền, nhiều ban ngành, đoàn thể và đông đảo người dân tham gia, góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc phòng chống bệnh SXH và TCM…
Thành viên nhóm vãng gia chiến dịch xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên đến tận hộ dân phát tờ rơi tuyên truyền về phòng chống bệnh SXH và TCM
Nhiệm vụ trọng tâm của chiến dịch năm nay là chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch và huy động các ban ngành, đoàn thể ở địa phương cùng tham gia; tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh địa phương và lực lượng tham gia đi tuyên truyền vận động trực tiếp tại các hộ gia đình. Qua tuyên truyền, các hộ gia đình và các lực lượng tham gia chiến dịch ở địa phương sẽ cùng tham gia tổng vệ sinh môi trường, như: Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, úp các vật dụng chứa nước trong và xung quanh nhà. Mục đích chính của chiến dịch là thông qua công tác truyền thông nâng cao ý thức phòng chống bệnh SXH, TCM để từ đó, mỗi người dân đều có ý thức tự giác và duy trì thực hành thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để phòng chống bệnh SXH và TCM một cách hiệu quả.
Theo chân đoàn giám sát chiến dịch tỉnh và TX.Tân Uyên, chúng tôi đến xã Bạch Đằng trong ngày đầu ra quân. Từ sáng sớm, không khí tổ chức lễ ra quân của xã Bạch Đằng đã được tổ chức khẩn trương để kịp cho các thành viên tham gia chiến dịch tỏa ra các hướng đi tuyên truyền, vận động bà con. Ngoài hệ thống loa truyền thanh, xã Bạch Đằng còn trang bị thêm cho chiến dịch một chiếc xe hoa cổ động, chạy tuyên truyền khắp các ngả đường trong xã. Tại những hộ dân mà đoàn đến giám sát, đa số bà con đều có kiến thức về cách phòng bệnh SXH và TCM, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống cũng được người dân quan tâm. Chị Trường Thị Thùy Dung ở ấp Điều Hòa, cho biết, trước khi đoàn giám sát đến, gia đình chị đã được nhóm vãng gia đến phát tờ rơi tuyên truyền, vận động tích cực thực hiện vệ sinh môi trường, không để các vật chứa nước lâu ngày để tránh lăng quăng sinh sống phát triển thành muỗi. Chị Dung cho biết thêm, vợ chồng chị có 2 con còn nhỏ nên anh chị rất chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh để tránh bệnh tật cho con. Vì thế, từ trước đến giờ 2 cháu nhà chị chưa từng bị SXH hay TCM.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, qua giám sát tình hình tại các địa phương cho thấy, công tác tổ chức chiến dịch được chuẩn bị khá tốt. Tại một số địa phương, do một số loa truyền thanh bị hư hỏng, hoặc những nơi chưa được trang bị loa truyền thanh, Ban chỉ đạo chiến dịch đã khắc phục bằng cách tổ chức cho lực lượng cầm loa tay đi tuyên truyền. Nhờ đó, công tác truyền thông bước đầu đã đến tận người dân. Ông Huỳnh Thanh Hà đánh giá: “Qua kiểm tra giám sát thực tế tại một số hộ gia đình, điều đáng mừng là hầu hết các bà mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ đều có kiến thức khá tốt về phòng chống bệnh SXH và TCM. Đây cũng chính là mục tiêu chính mà chiến dịch hướng đến, bởi một khi có kiến thức tốt họ sẽ biết cách và chủ động phòng chống bệnh hiệu quả ngay tại mỗi gia đình…”. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát ông Hà cũng cho biết, vẫn còn một số điều cần khắc phục, một số lực lượng tham gia chiến dịch (trong nhóm vãng gia) gần như chưa làm đúng mục tiêu của chiến dịch đó là hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện, tạo ra thói quen duy trì vệ sinh môi trường sau khi chiến dịch kết thúc. Ngược lại, người đi tuyên truyền trở thành người đổ nước thay cho gia chủ. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ gia đình nuôi lăng quăng để bán cho những người kinh doanh, nuôi cá kiểng. Đây là điều rất khó khăn trong công tác phòng chống bệnh SXH vì phát sinh rất nhiều muỗi.
Bài, ảnh: HỒNG THUẬN