XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÓI THUỐC LÁ:

Góp phần giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc lá

Thứ hai, ngày 05/10/2015

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở người. Khói thuốc lá gây nguy hiểm cho cả người hút và những người thường xuyên hít phải khói thuốc. Để thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Ban chỉ đạo PCTHTL tỉnh vừa phối hợp với Sở Y tế phát động “Môi trường, trường học không khói thuốc lá”. Việc xây dựng môi trường, trường học không khói thuốc lá góp phần tích cực nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh…

(BDO)

 Phát tờ rơi tuyên truyền về PCTHTL cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh

Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá chiếm 47,4%. Hiện cả nước có 33 triệu người không hút thuốc nhưng phải thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc nhưng phải thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nơi làm việc; 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/ năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Từ thực trạng trên, để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường, ngày 18-6-2012, Quốc hội đã thông qua Luật PCTHTL. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5- 2013. Luật quy định các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng, các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện bảo đảm để phòng chống tác hại của thuốc lá.

Trong những năm qua, số người sử dụng thuốc lá trên địa bàn tỉnh còn khá phổ biến trong các tầng lớp nhân dân. Số lượng học sinh, sinh viên nam hút thuốc trước 10 tuổi chiếm tỷ lệ cao 17%, gây ảnh hưởng đối với sức khỏe và sự tổn thất về kinh tế của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Bác sĩ Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo PCTHTL tỉnh, cho biết nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, song trong đó có thể thấy rõ tỷ lệ người dân hiểu biết về tác hại thuốc lá còn thấp. Chính vì thế đã dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc lá, thuốc lào tràn lan ở nhà, ở nơi đông người hay trong lúc hội họp. Mặt khác, dù đã có những quy định cấm hút lá nơi công cộng, cơ quan công sở… nhưng chỉ treo biển ở nhiều nơi có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá” mà không có các chế tài xử phạt kèm theo, nên cũng không làm người sử dụng thuốc lá băn khoăn gì khi hút thuốc.

Thực tế cũng cho thấy, đơn vị quản lý nơi công cộng như bến xe, bệnh viện, công viên… chưa bao giờ bị phạt nên họ cũng không “để mắt” nhiều đến người hút thuốc lá tại các khu vực do họ quản lý. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác.

Giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra là mục tiêu của chương trình PCTHTL tại Bình Dương. Theo đó, mục tiêu cụ thể đề ra đến năm 2020, giảm tỷ lệ thanh thiếu niên hút thuốc xuống 18% (năm 2011 là 26%); nam giới xuống 39% (năm 2011 là 47,4%) và nữ giới xuống 1,4%. Bên cạnh đó, còn có một mục tiêu đặt ra khác là tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc.

Trước những yêu cầu cấp thiết đặt ra cho toàn xã hội, đặc biệt là khi Luật PCTHTL có hiệu lực thi hành, Ban chỉ đạo PCTHTL tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động can thiệp nhằm giảm tác hại của thuốc lá đối với cộng đồng và đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác tổ chức, đào tạo tập huấn và truyền thông.

Về hoạt động truyền thông, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết ngành y tế đã triển khai Luật PCTHTL đến 100% các đơn vị y tế đóng trên địa bàn tỉnh. Đây là những đơn vị làm mẫu, đi đầu trong công tác PCTHTL.

Qua triển khai, các đơn vị hưởng ứng mạnh mẽ: 100% đơn vị thực hiện treo bảng cấm hút thuốc và các quy định xử phạt tại tất cả các khoa phòng, nơi công cộng trong cơ sở y tế; toàn bộ nhân viên y tế thực hiện cam kết không hút thuốc lá đối với Ban giám đốc cơ sở và đưa vào công tác xét đánh giá phân loại cán bộ công chức, viên chức tại đơn vị; nhân viên y tế có nhiệm vụ nhắc nhở người bệnh và thân nhân không hút thuốc trong cơ sở y tế và chịu trách nhiệm liên đới nếu để bệnh nhân hút thuốc trong khoa, phòng, khu vực do nhân viên y tế đó phụ trách.

Hoạt động can thiệp vào đối tượng học sinh, sinh viên được thực hiện từ năm học 2013- 2014. Theo đó, trường Đại học Thủ Dầu Một được chọn triển khai mô hình điểm “Trường học không thuốc lá”. Hoạt động này đã được Ban giám hiệu nhà trường hưởng ứng một cách tích cực và triển khai rộng khắp đến các khoa, phòng và tất cả sinh viên. Kết quả chuyển biến rất tích cực, cụ thể căng-tin trường không còn bán thuốc lá, trước cổng trường cách 100m không có điểm bán thuốc lá, 100% sinh viên không hút thuốc lá trong khuôn viên trường.

Cô Nguyễn Thị Nhật Hằng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết: “Xây dựng trường học không khói thuốc luôn là nhiệm vụ ưu tiên của trường học chúng tôi. Vì môi trường không thuốc lá sẽ đem lại các lợi ích cho sinh viên, cán bộ, giảng viên, bảo đảm quyền được hít thở bầu không khí trong lành, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến khói thuốc.

Thực hiện “Trường học không khói thuốc” còn góp phần xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự trong trường học, giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe học đường; hạn chế được cháy, nổ từ tàn thuốc lá, bật lửa, diêm; giảm chi phí cho vệ sinh môi trường…”.

 CẨM LÝ