Gốm sứ vượt khó

Thứ hai, ngày 11/09/2017

Thời gian qua, ngành gốm sứ Bình Dương đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tính đến tháng 8-2017, ngành gốm sứ tỉnh nhà đã và đang cố gắng vượt khó để ổn định sản xuất và mở rộng thị trường.

(BDO)

 Ngành gốm cần sự quan tâm nhiều hơn từ cơ quan chức năng. Trong ảnh: Sản xuất gốm tại Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long. Ảnh: K.VINH

 Nhiều tín hiệu vui

Đại diện Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết, ngay từ đầu năm ngành gốm sứ đã gặp phải rất nhiều áp lực: Giá nguyên liệu đầu vào tăng, tăng lương thưởng cho công nhân theo đúng lộ trình… Tuy nhiên nhìn chung tính tới thời điểm hiện tại ngành gốm Bình Dương vẫn có sự tăng trưởng hết sức khả quan.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ Cơ sở Gốm sứ Thành Đại (TX. Thuận An) cho biết, hiện nay cơ sở đang nhận gia công cho các công ty lớn. Đơn hàng nhiều khiến doanh nghiệp (DN) phải “chia lửa” với các cơ sở nhỏ, mới kịp thời gian giao hàng cho các đối tác. Theo bà Tuyết, giá cả đất sét, củi, gas... tăng hơn 20% so với năm 2016, nhưng nhờ đơn hàng gia công nhiều nên cơ sở của bà vẫn có lãi. Không riêng gì Cơ sở Gốm sứ Thành Đại, nhiều lò gốm quy mô nhỏ năm nay cũng nhộn nhịp nhận các đơn hàng gia công cho các công ty lớn.

Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát (TX.Thuận An) chia sẻ thêm, rất may cho ngành gốm trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng rất cao, giá thành sản phẩm hạ, nhưng các đơn hàng lớn đã kịp cứu các DN gốm sứ. Thị trường xuất khẩu được mở rộng ngoài Mỹ còn có một số nước châu Âu và châu Á. Ngành gốm Bình Dương tuy chưa thể phục hồi lại thời hoàng kim, nhưng cũng đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường xuất khẩu.

Vượt khó đi lên

Theo nhiều DN chia sẻ, từ tháng 7-2017, mức lương tối thiểu được nâng lên tạo ra áp lực lớn cho các DN khi quỹ lương và phúc lợi sẽ làm tăng chi phí đầu ra cho sản phẩm gốm sứ. Hiện tại nhiều DN đang đẩy mạnh quá tình thay đổi thiết bị, công nghệ nung gốm.

Theo ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TX.Thuận An), thị trường Mỹ tăng trưởng rất cao trong năm 2017, riêng công ty của ông sản lượng xuất khẩu sang thị trường này tăng khoảng 50% so với năm 2016. Hiện công ty của ông đang chuyển dần từ lò nung củi sang lò nung gas với tỉ lệ 50-50. Giá thành đầu tư cho một lò nung gas lên đến hàng chục tỷ đồng. Lương tăng, chi phí tăng buộc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long phải cân đối tài chính mới bảo đảm có lãi.

Ông Lý Ngọc Bạch cho biết, thuế VAT không được hoàn trả khi thu mua nguyên liệu cũng làm các DN gốm sứ gặp khó khăn không ít. Vấn đề này đã được Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương đã phản ánh từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi tích cực từ các cơ quan chức năng. Nên biết ngành gốm sứ nguyên liệu chiếm tới 70-80% giá trị của sản phẩm, do vậy các DN gốm sứ mong muốn cơ quan chức năng sớm điều chỉnh điều bất hợp lý khi áp dụng thuế VAT không hoàn lại đối với ngành gốm sứ cả nước.

Trong khi đó các cơ sở gốm truyền thống đang mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi công nghệ để theo kịp yêu cầu của thị trường xuất khẩu cũng như bảo đảm môi trường như quy định của Sở Tài nguyên - Môi trường. Chưa kể đến việc di dời các cơ sở gốm gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư tạo ra nhiều áp lực cho ngành gốm trên địa bàn tỉnh.

Ông Vương Siêu Tín chia sẻ, ngoài thị trường Mỹ đang tăng trưởng mạnh, các DN còn tìm kiếm đơn hàng từ Đài Loan, Hàn Quốc… Nhưng cho dù ở bất cứ thị trường, đối thủ mạnh nhất của thị trường gốm toàn cầu vẫn là Trung Quốc gây nhiều khó khăn cho các DN trong việc cạnh tranh. Trong khi đó, ngành gốm Trung Quốc lại được sự hỗ trợ rất tích cực từ các cơ chế, chính sách của chính phủ. Chính vì thế việc “né” những sản phẩm thế mạnh từ thị trường Trung Quốc sẽ làm cho các DN tốn kém nhiều tâm trí, tài lực. Để ngành gốm sứ truyền thống phát triển ổn định, các DN đang mong muốn có bàn tay “trợ lực” hiệu quả từ các cơ quan, ban ngành liên quan.

 XUÂN VĨ