Gỡ vướng trong xử lý nợ xấu: Tín dụng cũng gặp khó

Thứ năm, ngày 23/10/2014

(BDO) Kỳ 2: Tín dụng cũng gặp khó

Kỳ 1: Gian nan xử lý tài sản thế chấp

Mặc dù không thiếu tiền và tăng trưởng tín dụng (TTTD) trong 9 tháng qua vẫn chậm, nhưng các ngân hàng (NH) không thể ồ ạt đẩy vốn cho vay do nợ xấu (NX) có xu hướng tăng. Bài toán cung - cầu vốn vì thế đang làm đau đầu lãnh đạo các NH.

Vốn nhiều nhưng… khó vay!

Tài sản thế chấp không còn nhiều nhưng có phương án kinh doanh tốt, ông Phạm Mạnh Cường, chủ trang trại (mô hình vườn ao chuồng (V.A.C)) ở xã Tân Định, TX.Tân Uyên, hy vọng sẽ vẫn được vay khoản vốn mới từ NH nhờ hướng mở của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, ông Cường cho biết vài lần làm việc với ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy khả năng vay được vốn phù hợp nhu cầu vẫn còn rất khó khăn. Ông nói: “Chúng tôi đang thiếu nguồn vốn để đầu tư mở rộng mô hình V.A.C nên đề nghị NH cho vay 7 tỷ đồng để giải quyết những khó khăn của trang trại. Với khối tài sản của trang trại trị giá trên thị trường lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng NH chỉ duyệt cho vay 50 triệu đồng/ ha cao su. Trị giá khoản vay quá ít, trang trại không thể thực hiện phương án sản xuất của mình”.

Ban Giám đốc Agribank Chi nhánh Khu công nghiệp Sóng Thần (TX.Dĩ An) thăm hỏi tình hình hoạt động, sử dụng vốn của DN tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (TX.Tân Uyên). Ảnh: T.HỒNG

Câu chuyện khát vốn không chỉ xảy ra ở nhóm khách hàng lĩnh vực nông nghiệp mà còn diễn ra với các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương đã chia cộng đồng DN ra làm 2 nhóm. Một là DN đang hoạt động tốt, có uy tín lâu nay với NH nên việc tiếp cận vốn vay rất dễ dàng và nhiều ưu đãi. Tuy thế, số lượng DN này rất ít. Hai là những DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ đang vướng những khoản nợ cũ nên muốn vay vốn phải giải quyết được nợ cũ. Số lượng DN nằm trong dạng này khá nhiều. “Hiện có khá nhiều DN vướng hợp đồng tín dụng khoản vay trung, dài hạn đã ký trước đây với mức lãi vay khoảng 13%/năm, nhưng do tình hình tiêu thụ khó khăn DN vẫn phải chịu lãi vay trung bình 9 - 11%/năm nên rất khó vay mới”, ông Phong nhận định.

Còn bà Nguyễn Thới Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH Đông Tây (xã Tân Hiệp, TX.Tân Uyên), cho biết lãi vay hiện nay (8%/năm) tuy có thấp hơn so với giai đoạn 2005-2006 nhưng hiện chỉ mới giải quyết vốn tín dụng ngắn hạn cho DN, còn vốn tín dụng trung và dài hạn vẫn khá cao với trên 10%/năm. Trong điều kiện lạm phát rình rập và chi phí tài chính như nguyên vật liệu, lương công nhân… đều tăng sẽ không kích thích DN vay vốn sản xuất. Cũng theo bà Bình, tiềm lực tài chính của DN đã yếu do phải gánh vác các khoản vay tín dụng cũ có mặt bằng lãi suất cao hơn hiện tại nên chưa trả được nợ cũ thì không thể vay mới được, dù NH có mở rộng cửa cho vay. Hiện rất nhiều DN không dám đầu tư sản xuất mới mà chỉ sản xuất cầm chừng để tất toán những khoản vay cũ. Những yếu tố trên đã làm nên vòng lẩn quẩn, hiện chưa tìm được lối ra.

Khả năng hấp thu vốn của DN yếu

Trong nền kinh tế thị trường, hệ thống NHTM giữ vai trò vô cùng quan trọng, là cầu nối giữa các tổ chức kinh tế, DN, cá nhân trong việc huy động vốn tiền tệ nhàn rỗi vào NH và thực hiện phân phối lại vốn tiền tệ nhàn rỗi đó dưới hình thức cho vay, đầu tư để phát triển nền kinh tế. Thế nhưng, trong giai đoạn hiện nay việc đưa tín dụng đến người có nhu cầu vay, giúp nhau cùng phát triển xem ra khó cân bằng do dòng tín dụng đang ứ đọng. Từ đầu năm đến nay, nhiều NH triển khai các chương trình vay ưu đãi dành cho đối tượng DN lãi suất chỉ 7%/năm, hay cho vay tái cấu trúc tài chính (thay vì hạ lãi suất, NH tái cấu trúc nguồn nợ cũ giúp DN mạnh dạn vay vốn để tổ chức những chu kỳ sản xuất mới) và chương trình kết nối NH - DN. Tuy vậy, ngoài số ít NH có TTTD khá như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bình Dương, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Chi nhánh Khu công nghiệp, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Bình Dương (BIDV Bình Dương), còn lại TTTD vẫn khá ì ạch vì nhiều NH không thể cán đáng chỉ tiêu TTTD 12 - 14% cho toàn ngành.

Tính đến ngày 30-9, trong tổng vốn huy động gần 97.000 tỷ đồng, tiền gửi của các tổ chức kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao so với quý II-2014 (tăng 15,1%). Đây có thể là sự tập trung vốn chuẩn bị cho sản xuất, kinh doanh thời vụ cuối năm, sự dịch chuyển vốn thu nhập của DN tăng lên hoặc có thể do ứ đọng vốn của DN. Tuy nhiên, theo NHNN Chi nhánh Bình Dương, tiền gửi của tổ chức kinh tế chiếm tỷ trọng cao (40%) trong tổng vốn huy động, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn nên vẫn còn nhiều DN chọn gửi tiền tại các NH thay vì đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Bình Dương, cho biết tốc độ giải ngân vốn vay tại NH khá chậm. Dự kiến tăng trưởng dư nợ vốn vay chỉ đạt 80% mục tiêu được Hội sở phân giao. Hay như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Bình Dương, theo tìm hiểu của chúng tôi hoạt động cho vay của NH này trong 9 tháng qua chỉ đạt 82% so mục tiêu đề ra cho năm 2014. Trong đó, cho vay đối tượng DN vừa và nhỏ chỉ tăng 20%, DN quốc doanh tăng rất thấp. “Điều này chứng tỏ tình hình kinh tế vẫn chưa khởi sắc khiến dư nợ tín dụng tăng chậm. Nguyên nhân là khả năng hấp thu vốn của DN vẫn yếu, sức mua trên thị trường trong nước vẫn chậm, nhiều nước trên thế giới cắt giảm chỉ tiêu. Từ đó các DN đành tìm vốn bằng hình thức vay mượn người thân, bán cổ phiếu, tạm ngưng hoạt động hoặc nếu có đi vay thì họ rất đắn đo”, một cán bộ NH này cho biết.

Về phía cung ứng vốn, lãnh đạo một số NH cho biết trong bối cảnh nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) còn gặp khó khăn là mối quan ngại lớn trong TTTD, buộc các NH phải thận trọng trong thẩm định, giải ngân cho vay đối với khách hàng. Vì thế, yếu tố quan trọng hiện nay không phải là TSBĐ mà chính là tình hình kinh doanh của DN có khả thi hay không. Nếu DN có chiến lược bài bản, dự án tốt mà đầu ra không có, sản xuất ra không bán được, hàng tồn kho nằm đắp chiếu thì DN khó có thể trả được nợ. Vì thế, NH đương nhiên không thể cho vay được.

Có lẽ do quá ngán ngẫm với nợ khó đòi, các NH đi từ chỗ ngần ngại đến “co cụm” cho vay, chọn lọc đối tượng cho vay an toàn. Chính vì vậy, mức TTTD của các NH trên địa bàn tỉnh tăng chậm so với kỳ vọng, chỉ đạt 4,2% so với quý II-2013; trong khi tốc độ huy động vốn tăng 9,9%. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn còn yếu, chưa hấp thu nổi vốn; vì thế NH ngại cho vay.

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV Bình Dương, cho biết từ năm 2010 đến nay, câu chuyện nghịch lý “NH thừa tiền, DN thiếu vốn” luôn là đề tài được đề cập nhiều tại các diễn đàn. Theo lý giải của ông Linh, giải quyết vấn đề này không khó. Vấn đề mấu chốt là DN phải đáp ứng tốt các điều kiện cơ bản của NH. Ông dẫn chứng, tại BIDV Bình Dương, có những khoản vay lãi suất VND chỉ 7,5%/năm, thậm chí có những khoản vay lãi suất chỉ 5%/năm. Tuy nhiên, loại DN nào cho vay với lãi suất 7%/năm, loại DN nào cho vay với lãi suất 12%/năm và loại DN nào không thể cho vay cũng phải được NH tính toán phù hợp. Thực tế, nhiều DN trước đây là “đại gia” nhưng giờ nếu tính số nợ trên tổng tài sản thì đã mất hết vốn. Với các DN này, dù lãi suất cho vay có 0%/năm thì vẫn không có khả năng thanh toán khoản vay cho NH… NH cũng là DN, kinh doanh ngành nghề đặc biệt, đi vay để cho vay nhưng phải bảo toàn vốn gửi là mục tiêu phải hoàn thành.

 

Kỳ cuối: Sớm giải quyết khó khăn

THANH HỒNG