Gỡ vướng trong xử lý nợ xấu: Gian nan xử lý tài sản thế chấp

Thứ tư, ngày 22/10/2014

(BDO) Kỳ 1: Gian nan xử lý tài sản thế chấp

Nợ xấu (NX) là vấn đề các ngân hàng thương mại (NHTM) đang ưu tiên giải quyết. Các NH gần đây đã thực hiện giải pháp bán nợ cho Công ty Quản lý và Khai thác tài sản Việt Nam (VAMC) hoặc tự xử lý. Tuy vậy, việc tự giải quyết NX tại các NH vẫn còn gặp nhiều khó khăn...

Ngân hàng “ngán”

Phát biểu với lãnh đạo tỉnh tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động NH khi xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) trên địa bàn Bình Dương vừa qua, đại diện NH Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Khu công nghiệp Nam Bình Dương đã nêu một thực tế mà các NH đang phải đối mặt. Đó là từ việc NH khởi kiện khách hàng ra tòa đến thi hành án dân sự (THADS) phải mất thời gian trung bình từ 3 - 4 năm và có những vụ việc đeo đuổi gần 10 năm vẫn chưa xử lý được.

Mấu chốt giải quyết nợ xấu hiện nay đang phụ thuộc vào những điều chỉnh xung quanh các vấn đề liên quan đến luật và các tổ chức tín dụng (Ảnh chỉ minh họa). Ảnh: T.HUỲNH

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bình Dương (Agribank Bình Dương) cho rằng, công tác thu hồi NX hiện rất gian nan, nhất là khâu phát mãi tài sản. Đã có trường hợp Agribank Bình Dương thuận với khách hàng đưa tài sản bán đấu giá theo luật định. Qua 9 phiên đấu giá với nhiều thủ tục nhiêu khê, giá từ 55 tỷ đồng giảm còn 29,4 tỷ đồng nhưng đến khi NH tiến hành thu hồi tài sản thế chấp nợ vay thì cơ quan THADS Dĩ An đề nghị tạm hoãn và đến nay NH chưa thu hồi được nợ…

Ý kiến chung của nhiều NH cho thấy, thủ tục thẩm định giá cũng là một trong những nguyên nhân kéo dài thời gian xử lý TSBĐ để thu hồi nợ. Giám đốc một NHTM cổ phần (đề nghị không nêu tên) cho biết, đã có vụ việc tại NH của ông kéo dài 6 năm với 22 lần giảm giá TSBĐ mới đi đến kết thúc. Điều ngán ngại nhất của các NH là số lần giảm giá tài sản phát mãi “nhỏ giọt” chỉ từ 1 - 2%/lần trong khi luật quy định giảm giá tài sản đấu giá tối đa 10%/lần, khiến quá trình thu hồi nợ kéo dài.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương, hiện các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến khởi kiện, THADS, tòa án và người THADS như rắc rối trong việc xác minh các thông tin đối với bị đơn, các bên bị THADS không hợp tác với NH trong xử lý nợ… Sau khi tốn kém về thời gian, chi phí…, trong nhiều vụ việc tuy bên nhận bảo đảm thắng kiện nhưng bên giữ tài sản chậm trễ, chây ỳ bàn giao tài sản hay ký vào các giấy tờ chuyển quyền sở hữu tài sản cũng khiến quá trình xử lý TSBĐ dậm chân tại chỗ. Từ những khó khăn nêu trên, thật sự gian nan cho các NH khi phải xử lý TSBĐ nợ vay.

3 ngành kêu khó

Nếu như việc xử lý TSBĐ luôn là câu chuyện đầy bi hài của các NH thì khi tiến hành thụ lý, xử lý, THADS đối với những vụ việc, 3 cơ quan chính là tòa án, Cục THADS, Sở Tư pháp cũng gặp những tình huống dở khóc, dở cười.

Cán bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh đang tiến hành cưỡng chế giao tài sản của một ngân hàng. Ảnh: T.HUỲNH

Ông Nguyễn Văn Lộc, Cục trưởng Cục THADS tỉnh chia sẻ, việc xử lý TSBĐ tại các NH gặp nhiều vướng mắc có 2 nguyên nhân chính. Đầu tiên từ yếu tố chủ quan của NH, cụ thể là trình độ, tư duy, kinh nghiệm của cán bộ NH khi nhận và xử lý TSBĐ. Thứ hai là vướng mắc từ nguyên nhân pháp lý do thủ tục hành chính phức tạp, cơ chế pháp lý không phù hợp. Về nguyên nhân chủ quan, nhiều NH hiện không quản lý chặt chẽ về quy định TSBĐ và công cụ quản lý thông qua hệ thống quy định, quy trình bài bản, hợp đồng, biểu mẫu rõ ràng; chưa chú trọng đào tạo, tập huấn cho cán bộ tín dụng dẫn tới khi nhận TSBĐ không thẩm định được nguồn gốc kỹ lưỡng về vấn đề sở hữu. Cụ thể, có NH nhận giấy tờ nhà đất bên vay nhưng đến khi Cục THADS tiến hành cưỡng chế, kê biên thì cán bộ tín dụng NH không nắm rõ tài sản thế chấp nằm ở vị trí nào, thực tế vị trí đất, số liệu tài sản kê biên so với sổ đất… Cho vay mà không biết TSBĐ có hình thù như thế nào thì THADS khó giải quyết kê biên nhanh được. “Gần đây, khi xác minh tài sản, tài khoản đương sự thì vướng quy định quyền được bảo vệ bí mật thông tin khách hàng của NH. Trong khi đó, Luật THA DS dân sự lại yêu cầu các bên có liên quan phải cung cấp số liệu phục vụ quá trình kê biên, xử lý TSBĐ, vậy chúng tôi phải làm sao”, ông Lộc nêu một khó khăn khác.

Về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý TSBĐ thông qua hình thức đấu giá, ông Bùi Duy Hiền, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, ước tính khoảng 80% NX của các TCTD hiện nay có TSBĐ là bất động sản (BĐS), chủ yếu là quyền sử dụng đất và nhà xưởng. Tuy nhiên, rất khó tìm đầu ra trong điều kiện tình hình sản xuất, kinh doanh và thị trường BĐS khó khăn như hiện nay. Một khó khăn nữa là việc thẩm định giá TSBĐ làm cơ sở để xác định giá khởi điểm thường cao hơn giá thị trường, do quy định cho phép người phải THADS có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá để định giá tài sản kê biên và còn có quyền yêu cầu định giá lại tài sản. Chính vì vậy, thời gian qua có rất nhiều trường hợp không bán đấu giá được do sau khi đã giảm nhiều lần, giá khởi điểm TSBĐ vẫn cao hơn giá thị trường.

Ông Bùi Duy Hiền, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, việc bán đấu giá tài sản hiện còn gặp những vướng mắc về trình tự, thủ tục. Theo quy định về đất đai và đầu tư hiện nay, doanh nghiệp khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để triển khai dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh thì phải thỏa thuận địa điểm, được sự chấp thuận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền; trường hợp đất chuyển nhượng không phải là đất sản xuất, kinh doanh thì bên nhận chuyển nhượng còn phải được UBND cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Việc yêu cầu các đối tượng đăng ký tham gia đấu giá phải thực hiện các thủ tục này là không khả thi. Hơn nữa, Nghị định 17 quy định thời hạn thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản tối đa chỉ có 30 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá. Với thời gian ngắn như vậy, dù TSBĐ giá có hợp lý đi nữa cũng khó kịp thu hút được người mua vì thời gian không bảo đảm để hoàn thành thủ tục hợp thức hóa tài sản đúng quy định…

 

Kỳ 2: Tín dụng cũng gặp khó

THANH HỒNG