Gỡ vướng trong thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014
(BDO)
Còn lúng túng
Chị Nguyễn Nhật Linh, nhân viên kế toán Công ty An Điền (TX.Bến Cát) cho biết: “Theo quy định tại Khoản 2, Điều 44, Luật DN 2014, trước khi sử dụng con dấu, DN gửi thông báo về mẫu con dấu của DN, chi nhánh, văn phòng đại diện đến Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) Sở Kế hoạch - Đầu tư để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn không biết làm thông báo về mẫu con dấu theo biểu mẫu nào. Vì thế hôm nay tôi đến Phòng ĐKKD để được giải đáp thắc mắc”.
Doanh nghiệp làm đăng ký kinh doanh tại quầy ĐKKD của Sở Kế hoạch - Đầu tư
Còn anh Đỗ Thành Nhân, nhân viên Công ty K.T Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một) nêu băn khoăn chưa biết làm sao để test ngành nghề kinh doanh khi Luật DN 2014 bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh trên giấy phép?
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Bá Trước, Trưởng phòng ĐKKD Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, từ khi Luật DN 2014 có hiệu lực (1-7-2015) đến nay vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện. Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới ra Công văn số 4211 về việc hướng dẫn áp dụng quy định về đăng ký DN. Phòng ĐKKD đã cho đăng tải tất cả văn bản, biểu mẫu hướng dẫn liên quan đến Luật DN 2014 lên trang website của Sở Kế hoạch và Đầu tư: (địa chỉ: Sokhdt.binhduong.gov.vn). Do đó, biểu mẫu thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu của DN, chi nhánh, văn phòng đại diện cũng đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử trên. DN khi vào trang web này bấm vào mục đăng ký kinh doanh để tìm hiểu thêm thông tin.
Cũng liên quan về con dấu, ông Trước cho biết thêm, mặc dù Luật DN 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng khi một số DN đi khắc dấu, cơ sở khắc dấu chưa nắm được văn bản nên vẫn chuyển qua bên cơ quan công an. Trước tình hình này, ngày 3-7 Sở Kế hoạch - Đầu tư đã phối hợp với Công an tỉnh, sau đó Công an tỉnh đã ra Văn bản số 230 về triển khai thực hiện một số nội dung của Luật DN 2014; theo đó DN tự khắc dấu, tự quản dấu. Ngày 6-7, Công an tỉnh đã có văn bản thông tin đến các cơ sở khắc dấu.
Xung quanh thắc mắc vào đâu để test ngành nghề kinh doanh, ông Trước cho biết, mặc dù theo Luật DN 2014 trong giấy phép không thể hiện ngành nghề kinh doanh đăng ký nhưng DN vẫn phải nộp hồ sơ đăng ký ngành nghề như cũ. Do vậy, khi DN muốn test ngành nghề đăng ký kinh doanh thì vào website: dangkykinhdoanh.gov.vn, sau đó gõ mã số, vào mục ngành nghề sẽ biết được ngành nghề đã đăng ký.
Cần sớm có các quy định hướng dẫn
Luật DN 2014 có hiệu lực nhưng chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn nên không chỉ DN có thắc mắc khi thực hiện mà cả đơn vị quản lý Nhà nước cũng gặp lúng túng khi triển khai.
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, Luật DN 2014 cho phép người dân được kinh doanh những ngành nghề mà luật pháp không cấm. Tuy nhiên, khi thực hiện chức năng, Phòng ĐKKD của sở cũng gặp lúng túng khi có một số ngành nghề nhạy cảm đăng ký như ngành, nghề điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe. Đây là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, DN được hoạt động khi đã đáp ứng đủ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Theo Luật DN 2014, người dân đăng ký ngành nghề không cấm thì phải được cấp giấy phép kinh doanh. Do đó, cần có sự tăng cường công tác hậu kiểm để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập; đồng thời kiểm tra việc tuân thủ pháp luật và giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật của DN.
Ông Trước nói, trước đây thực hiện Luật DN cũ, khi thực hiện đăng ký thay đổi Phòng ĐKKD chỉ nhập 1 biên nhận và ra 1 giấy phép. Còn hiện nay thực hiện theo luật mới, văn phòng phải nhập 2 biên nhận (1 biên nhận giấy chứng nhận đăng ký DN, 1 biên nhận giấy xác nhận thay đổi thông tin đăng ký DN). Đồng nghĩa với việc phải đóng 2 lần dấu, phôtô 2 biên nhận.
Điều cơ quan quản lý nhà nước, DN và người dân mong muốn nhất hiện nay là sớm có nghị định, thông tư hướng dẫn để Luật DN 2014 phát huy hiệu quả.
PHƯƠNG AN