Gỡ vướng cho nhà ở công nhân

Thứ ba, ngày 18/10/2011

Công nhân (CN), lực lượng đóng góp vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay, đội ngũ ấy đang chiếm phần lớn lao động (LĐ) tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, trong đó phải kể đến các vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, đa phần lực lượng này hiện nay đang phải sống trong những khu nhà trọ chật hẹp, không bảo đảm chất lượng cuộc sống. Nhu cầu cao nhưng lại không có điều kiện mua nhà. 

Độ chênh cung cầu

Phát biểu tại hội thảo Quốc gia “Nhà ở công nhân - Thực trạng và giải pháp” vào sáng 17-10, ông Vũ Đình Quang, Ban Chính sách - Pháp luật - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến nay có khoảng 1,6 triệu LĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) trong cả nước. Trong đó, có trên 70% LĐ là người ngoại tỉnh đến làm việc và có nhu cầu thuê nhà ở, chỉ có 7 - 10% số LĐ này được ở trong các khu nhà được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc của DN. Còn lại trên 90% LĐ có nhu cầu thuê nhà phải tự thu xếp tại các khu trọ của những hộ dân trong các khu dân cư lân cận với giá thuê từ 150.000 - 200.000 đồng/người/tháng.

 

Toàn cảnh hội thảo quốc gia “Nhà ở công nhân - Thực trạng và giải pháp”

Trong khi đó, mức thu nhập bình quân hàng tháng của công nhân lao động (CNLĐ) làm việc tại các KCN còn thấp (từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng). Các phòng trọ thuê của tư nhân đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 2 -3m2/người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về điện, nước, vệ sinh... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và an ninh trật tự. Nhiều CN đến tuổi xây dựng gia đình lại không làm việc ổn định vì thiếu chỗ giữ trẻ, vì thu nhập thấp không đủ trang trải chi phí... Do đó, dẫn đến tình trạng DN thiếu LĐ cứ tiếp tục tái diễn, đặc biệt là những thời điểm sau khi nghỉ tết.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau 2 năm thực hiện nghị quyết của Chính phủ về phát triển nhà ở cho CNLĐ ở các KCN, các địa phương đã đăng ký khoảng 110 dự án (giai đoạn 2010-2015), đáp ứng chỗ ở cho hơn 960.000 người, trong đó có 25 dự án đã được khởi công góp phần giải quyết khoảng 129.000 chỗ ở. Tuy nhiên, đến khi hoàn thành cũng chỉ đáp ứng được 13% nhu cầu chỗ ở theo như đăng ký.

Vướng - Gỡ vướng

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho CN KCN còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Đó là thiếu quỹ đất sạch vì trong quá trình phát triển xây dựng KCN, chủ đầu tư và cơ quan thẩm định không tính đến quy hoạch đất để làm nhà ở. Nhà nước cũng không đầu tư vốn xây dựng nhà ở cho CNLĐ các KCN mà chỉ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và cho CN thuê theo phương thức xã hội hóa. Việc vay vốn với lãi suất ưu đãi cũng còn vướng nhiều khó khăn về cơ chế, thủ tục. Trong khi đó, nếu vay qua ngân hàng thương mại thì lãi suất trong thời gian qua bị đẩy lên cao nên không ai dám mạo hiểm vay đầu tư.

Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích đối với đầu tư xây dựng nhà ở CN như miễn, giảm tiền thuê đất, tiền thuế thu nhập DN... vẫn chưa thu hút các DN khiến họ không mấy mặn mà. Một số DN nằm ngoài KCN muốn xây nhà ở cho CN nhưng chưa có chính sách ưu đãi trong Quyết định 66 của Chính phủ. Đồng thời, Nhà nước cũng chưa có quy định bắt buộc các DN sử dụng LĐ phải có trách nhiệm tham gia xây dựng nhà ở cho CNLĐ, chưa có chính sách khuyến khích về vốn để cho người dân vay ưu đãi nhằm cải tạo nhà ở theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng cho CN thuê.

Để tháo gỡ vướng mắc, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị, cần tìm kiếm nguồn vốn dài hạn trong và ngoài nước để cho vay đầu tư phát triển quỹ nhà ở CN. Cho phép chủ đầu tư được áp dụng chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế DN; cho phép bán có thời hạn quỹ nhà CN thuê cho các DN trong KCN theo thời hạn giấy phép đầu tư để sớm thu hồi và quay vòng vốn. Bên cạnh đó, cần ban hành chế tài bắt buộc các chủ sử dụng LĐ có trách nhiệm, nghĩa vụ về nơi ở với NLĐ của mình. Các DN không nằm trong KCN có nhu cầu xây nhà ở cho CN cũng được áp dụng cơ chế chính sách theo Nghị định 66 của Chính phủ.

Ngoài những kiến nghị trên, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, cần mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, có chính sách cho các hộ dân xây dựng nhà cho thuê được vay vốn để cải tạo nhà theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng ban hành... Vấn đề cốt lõi căn bản cần làm ngay và đi trước để phục vụ cho phát triển lâu dài là quy hoạch khu nhà ở CN gắn với phát triển đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không để tình trạng manh mún, tự phát như hiện nay.

NHÓM P.V KT-CT

*Bộ trưởng Bộ Xây dựng TRỊNH ĐÌNH DŨNG: Trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân

Để đạt được mục tiêu đến năm 2015 khoảng 50% CNLĐ có nhu cầu sẽ được đáp ứng chỗ ở, các nhà nghiên cứu, quản lý, địa phương, DN, các tổ chức công đoàn cần tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Từ đó, đề xuất các giải pháp cụ thể để đầu tư phát triển nhà ở, đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

 Bộ Xây dựng đã đề xuất quan điểm mới và được Thường trực Chính phủ nhất trí, đó là giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân. Đời sống CN hiện còn gặp nhiều khó khăn, đây là trách nhiệm không chỉ của Nhà nước mà còn của DN và cộng đồng, của CN. Nếu CN ổn định chỗ ở thì nguồn cung LĐ cho DN cũng ổn định, năng suất làm việc cũng từ đó được nâng lên...

Trong thời gian tới cần thực hiện 2 nhiệm vụ và phân biệt rõ thị trường nhà hàng hóa và thị trường nhà ở phi hàng hóa. Thị trường nhà ở phi hàng hóa, trong đó có nhà ở CN, những người thu nhập thấp không đủ điều kiện mua nhà cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, DN, cộng đồng. Tuy nhiên, không vì thế mà nhà ở này lại kém chất lượng hơn so với nhà ở khác.

Nhiều vấn đề cần được đề xuất bổ sung như trích quỹ đất KCN để xây dựng nhà ở CN chẳng hạn. Hay Nhà nước cần phải có quỹ xây dựng nhà ở CN; xây dựng quy chuẩn và giá thành cho thuê, bán nhà ở CN; DN xây dựng nhà thương mại cũng phải có trách nhiệm xây nhà ở xã hội. Các địa phương phải xác định rõ khu nào xây dựng nhà ở cho CN trong quy hoạch và khu công nghiệp cũng không thể tách rời đô thị...

* Tiến sĩ PHẠM SỸ LIÊM, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Cần phát triển nhà ở xã hội cho công nhân KCN

Lương CN rồi sẽ dần dần được nâng lên theo nhịp điệu tăng trưởng kinh tế của đất nước, mức sống của họ sẽ được cải thiện nhanh. Mặt khác, các CN độc thân rồi sẽ xây dựng gia đình, một số gia đình đó có nhu cầu sinh sống ổn định, đủ tiện nghi gần KCN, vì vậy cần có loại nhà ở thích hợp với khả năng chi trả của họ. Ngoài ra, các hộ CN còn cần có trường cho con đi học, có chợ để mua nhu yếu phẩm hàng ngày, trong khi các CN trẻ thì cần đến các công trình văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí.

Xuất phát từ quan điểm như vậy, không thể chỉ xây dựng khu nhà ở CN với các tòa nhà xếp hàng đơn điệu như doanh trại, mà phải quy hoạch xây dựng một khu đô thị đa chức năng, gồm nhiều đường phố với nhà nhiều tầng có tầng trệt là cửa hàng, cửa hiệu còn các tầng trên là nhà ở. Ngoài ra còn có chợ, ngân hàng, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, sân vận động, vườn hoa công viên và quảng trường. Ngoài nhà ở xã hội cho CN, tại đô thị này còn có nhà ở theo dạng biệt thự, nhà liền kề của các nhà quản lý, các chuyên viên kỹ thuật và kinh tế làm việc tại KCN. Tóm lại gần KCN phải quy hoạch xây dựng một đô thị hoàn chỉnh có chính quyền quản lý, với nhân lõi ban đầu là nhà ở xã hội cho CN và nhà ở cho các đối tượng khác làm việc và sinh sống tại đây. Một đô thị như vậy sẽ có sức sống và phát triển bền vững, góp phần vào quá trình đô thị hóa của tỉnh sở tại.

* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương TRẦN THANH LIÊM: Cần sửa đổi, bổ sung về quy định xây nhà ở CN

Hiện nay một số quy định về xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở CN chưa thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều DN và việc triển khai cũng còn gặp khó khăn. Để đạt được mục tiêu về xây dựng nhà ở CN như đã đề ra cần phải xác định lại nhu cầu nhà ở hiện nay. Theo đó, phải mở rộng điều tra nhu cầu trên phạm vi cả nước, từ đó có căn cứ để cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp trong từng giai đoạn. Cần tạo điều kiện thuận lợi hơn để DN, cộng đồng cùng đầu tư xây dựng nhà ở CN, đồng thời cần sớm sửa đổi bổ sung một số điều của quyết định, nghị quyết đã được ban hành theo hướng tháo gỡ vướng mắc mà từ thực tế đã chứng minh là bất cập trong thời gian qua...

NHÓM P.V KT-CT (lược ghi)