Gỡ vướng cho nhà đầu tư du lịch sinh thái
(BDO) Luật Đất đai năm 2024 so với Luật Đất đai năm 2013 có nhiều điểm mới và sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn về đất đai trong thời gian qua. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các tỉnh, thành bứt phá, khai thác tiềm năng của đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, luật tập trung vào những vấn đề thời gian qua đang bị tình trạng chồng lấn, “lệch pha” trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Luật Đất đai năm 2024 cũng phân quyền cho các địa phương nhiều hơn, điều này tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư; đồng thời rút ngắn được thời gian, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư. Đơn cử như việc chuyển đất rừng sang đất khác để triển khai các dự án với diện tích lớn, trước đây phải chờ Chính phủ hoặc Quốc hội phê duyệt nên thời gian thường kéo dài, thì nay đã giao cho các tỉnh, thành tự quyết định.
Điểm đáng chú ý, trong Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định, thông tư đi kèm cũng tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển du lịch nông nghiệp ở các địa phương. Tại Bình Dương, các địa phương phía Bắc tận dụng lợi thế trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để phát triển du lịch sinh thái vườn. Thời gian qua, các mô hình du lịch sinh thái nhà vườn phát triển mạnh tại TP.Tân Uyên, các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo… Tuy nhiên, các nhà vườn triển khai hoạt động du lịch thường gặp vướng mắc về đất đai, vì theo Luật Đất đai năm 2013, xây dựng trên đất nông nghiệp là vi phạm; trong khi muốn phát triển du lịch phải đầu tư xây dựng thêm các công trình như khu ăn uống, nghỉ ngơi, nhà vệ sinh, một số tiểu cảnh trong vườn… Chính vì vậy, có những điểm du lịch vườn đã phải tạm dừng hoặc thu nhỏ hoạt động vì vướng về đất đai; không ít dự án về du lịch sinh thái rừng, hồ, thác chậm triển khai do gặp khó khăn trong thuê, chuyển đổi đất rừng, đất lúa.
Với Luật Đất đai mới, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn với các dự án sản xuất nông nghiệp hiện đại, hay liên kết hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; các hộ dân có đất nông nghiệp nhưng thiếu lao động, ít vốn có thể “nhường” đất, kể cả đất lúa cho người khác biết cách làm ăn hiệu quả hơn...
KHẢI ANH