Gỡ “nút thắt” trong phát triển nhà ở xã hội
(BDO) Bình Dương đã trở thành địa phương đi đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai xây dựng NƠXH, Bình Dương cũng gặp không ít khó khăn về cơ chế, chính sách.
Phát triển nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu an cư lạc nghiệp của người lao động. Trong ảnh: Một góc khu nhà ở xã hội Định Hòa
Bảo đảm an sinh xã hội
Những năm qua, Bình Dương đẩy mạnh xây dựng các khu NƠXH quy mô lớn góp phần tạo bước đột phá mới, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng để người lao động yên tâm với công việc, gắn bó lâu dài với địa phương.
Chương trình phát triển NƠXH của tỉnh ra đời đã góp phần giảm sức ép về nhu cầu nhà ở, mang lại niềm phấn khởi cho người lao động, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về nhà ở cho đội ngũ công nhân lao động của mình. Đây cũng có thể xem là một yếu tố hết sức thuyết phục đối với các nhà đầu tư khi chọn Bình Dương để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chị Vi Lan Anh, từ Thanh Hóa vào Bình Dương lập nghiệp, vui mừng cho biết chồng chị làm ở Công ty Foster (Việt Nam), nhằm nhanh chóng ổn định cuộc sống, vợ chồng anh chị đã chọn mua NƠXH. Hiện nay, mỗi tháng gia đình chị chỉ cần trả góp căn hộ với giá gần 1,5 triệu đồng, sau khi đóng trong 10 năm, căn hộ sẽ là tài sản riêng của gia đình. Chị Lan Anh chia sẻ: “Với mô hình NƠXH đã giúp những người lao động xa quê như gia đình tôi biến giấc mơ có nhà thành hiện thực. Khu vực TP.Thuận An về đêm rất đông đúc, thời gian qua, chúng tôi đã thuê thêm 1 căn tầng trệt để kinh doanh, nhờ đó thu nhập của gia đình ngày càng ổn định. Chúng tôi rất vui mừng”.
Chương trình phát triển NƠXH tỉnh Bình Dương đạt được kết quả cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó quyết tâm chính trị rất lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là quan trọng nhất. Quyết tâm này đã được quán triệt thống nhất, đồng bộ, thông suốt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh. Mặt khác, sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, điển hình là Tổng Công ty Becamex IDC giữ một vai trò quan trọng thực hiện chương trình nhà ở an sinh xã hội, chăm lo hiệu quả cho đời sống, nhà ở của người lao động, ổn định cuộc sống để họ an tâm lao động sản xuất, cống hiến vì sự phát triển thịnh vượng của tỉnh Bình Dương.
Gỡ các “nút thắt”
Theo đánh giá của ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, diện tích đất ở dành để xây dụng NƠXH tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị còn chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhu cầu nhà ở thực tế của người dân. Điều này dẫn tới thiếu quỹ đất để phát triển NƠXH. Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH còn chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đẩu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản... Từ đó, dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH tại các địa phương trong thời gian qua bị “ách tắc”, kéo dài, dẫn đến tăng chí phí của doanh nghiệp, người dân.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết hiện nay quy định các dự án NƠXH được hưởng một số chính sách ưu đãi như vay lãi suất thấp. Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều doanh nghiệp đã không mặn mà với phân khúc này. Theo KTS Trần Ngọc Chính, để tháo gỡ các nút thắt trong phát triển NƠXH, Luật Nhà ở sửa đổi lần này cần theo hướng Nhà nước phải giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về hạ tầng, đất đai, tài chính, ban hành những cơ chế, chính sách phát triển NƠXH đủ mạnh thay cho những quy định cứng nhắc, để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay tham gia xây dựng NƠXH.
Tại Bình Dương, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện NƠXH, tỉnh Bình Dương cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách của Nhà nước. Đơn cử, chính sách ưu đãi của Nhà nước hiện nay chưa tạo được sự khác biệt lớn; chủ trương, chính sách kêu gọi, thu hút nhà đầu tư chưa cụ thể. Bên cạnh đó, quy định pháp luật chưa có chế tài đủ mạnh để yêu cầu nhà đầu tư triển khai xây dựng NƠXH trên quỹ đất thuộc dự án xây dựng nhà ở thương mại...
Hiện nay Sở Xây dựng đang thực hiện dự thảo “Đề án phát triển NƠXH, nhà ở công nhân giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư khoảng 172.000 căn NƠXH, đáp ứng cho khoảng 678.300 người, cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao. Từ nay đến năm 2025 tỉnh sẽ xây trước 42.200 căn, đáp ứng cho khoảng 163.400 người. Để đạt được mục tiêu trên, Bình Dương đang ưu tiên dành quỹ đất để nhà đầu tư xây dựng các khu NƠXH. Hiện nay, đã có 23 khu đất do các doanh nghiệp Nhà nước quản lý, 17 khu với 170 ha có sẵn quỹ đất của các nhà đầu tư đề xuất phát triển NƠXH. Đối với quỹ đất 20% đã có sẵn từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị quy hoạch dành để phát triển NƠXH, qua thống kê hiện nay các dự án nhà ở thương mại của chủ đầu tư có bố trí quỹ đất xây dựng NƠXH đến năm 2021 có tổng số 32 dự án, diện tích đất khoảng 85 ha.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ năng lực, có nhu cầu mong muốn thực hiện NƠXH trên phần diện tích đất thuộc diện di dời và đến thời hạn phải chuyển đổi công năng. Song song đó, tỉnh cho liên doanh, liên kết hoặc chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp khác có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để đầu tư xây dựng dự án NƠXH…
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG