Gỡ khó về vốn, nguyên liệu cho ngành gỗ

Thứ sáu, ngày 01/09/2017

(BDO) Trước sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp (DN) gỗ nước ngoài trên thị trường, lãnh đạo nhiều DN gỗ ở Bình Dương cho biết mong muốn được tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn vay và có những cơ chế, chính sách mới, hiệu quả để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài.

Vượt khó, duy trì đà tăng trưởng

Bình Dương là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và là trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn của cả nước. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), tính trong 6 tháng đầu năm nay các DN gỗ trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu đạt 1,919 tỷ USD.

Lãnh đạo nhiều DN gỗ cho biết, doanh số xuất khẩu gỗ của DN ở Bình Dương vẫn giữ vững đà tăng trưởng ổn định vì sản phẩm đã có uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, các DN sản xuất kinh doanh gỗ và sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh đã chủ động nắm bắt thông tin, kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất. Hiện có không ít DN trên địa bàn tỉnh đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông - nơi đang có nhu cầu cao lại không khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm gỗ. Đặc biệt, một số DN đã có hợp đồng lớn với các đối tác Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đến năm 2018.


Máy móc, thiết bị hiện đại của ngành gỗ được giới thiệu tại Hội chợ máy móc và gỗ nguyên liệu Việt Nam 2017.
Ảnh: TIỂU MY

Nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ của thị trường thế giới vào khoảng 240 tỷ USD/năm; trong đó riêng thị trường Hoa Kỳ khoảng 30 tỷ USD/năm, Liên minh châu Âu khoảng 85 tỷ USD/năm… Thực tế này đang đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho ngành gỗ Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng. Theo ông Trần Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Liên Thanh (TX.Bến Cát), triển vọng phát triển ngành gỗ của Bình Dương là rất lớn. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các DN gỗ trên địa bàn tỉnh là nội thất. Hiện nay, các đối tác nước ngoài yêu cầu sản phẩm này phải đạt kỹ thuật cao, tinh xảo. Chính vì thế, các DN phải luôn nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu, chú trọng đổi mới công nghệ, nghiên cứu kỹ về giá cả… để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.

Cần vốn, nguyên liệu ổn định

Tuy đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng các DN gỗ của Bình Dương vẫn đang lo về nguồn nguyên liệu và vốn, đặc biệt là những DN đã có hợp đồng đến năm 2018. Mặc dù ngành gỗ trong nước đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường song các DN đang gặp khó khăn khi đối mặt với vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ, việc sử dụng hóa chất trong sản xuất, tính bền vững và đặc biệt là việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ của các DN sản xuất tại Việt Nam.

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc gỗ và trách nhiệm xã hội chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp còn nhiều phức tạp, kể cả nguyên liệu gỗ trồng như cao su, tràm… Các chuyên gia cho rằng, để kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 thì nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ cần thêm 4 - 5 triệu m3/năm. Trong những năm tới, các nước nhập khẩu gỗ sẽ yêu cầu phải có 100% gỗ có chứng chỉ tiêu chuẩn rừng và gỗ hợp pháp, song ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 200.000 ha gỗ rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC (Hội đồng quản lý rừng), chỉ chiếm 8% diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước. Thêm vào đó, gỗ từ rừng trồng của Việt Nam có chất lượng không đồng đều, chủ yếu là gỗ có đường kính nhỏ; sản lượng gỗ cũng hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu gỗ phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Thêm vào đó, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu đang tăng cũng gây khó khăn cho DN. Hiện nay, giá gỗ nhập khẩu tăng 20% so với năm trước. Nguyên nhân là do chính sách đóng cửa rừng của một số quốc gia láng giềng, khiến các DN xuất khẩu đồ gỗ lớn của các nước tìm kiếm thị trường khác để thu mua, từ đó gây áp lực cạnh tranh rất lớn cho các DN gỗ của Việt Nam.

Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất toàn diện trong ngành chế biến gỗ” trong khuôn khổ Hội chợ máy móc và gỗ nguyên liệu Việt Nam 2017 (Vifa Woodmac Vietnam 2017) được tổ chức tại Bình Dương vừa qua, các DN đã đề cập nhiều đến việc ngành gỗ của Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của các DN nước ngoài. Nguyên nhân là do các DN muốn lấy giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của Việt Nam, tiếp cận nguồn gỗ nguyên liệu… Các DN này mang hàng hóa của họ sang nước ta gần như đã là thành phẩm, phần việc còn lại tại Việt Nam chỉ là lắp ráp và phủ sơn. Một số DN nước ngoài còn áp dụng biện pháp tạm nhập hàng hóa ở Việt Nam và tái xuất để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm xuất khẩu đi nước khác, trong đó có Mỹ. Điều này ảnh hưởng không tốt đến DN chế biến gỗ trong nước.

Ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty Kim Thành A (TX.Thuận An) cho rằng, hiện nay số DN gỗ của Bình Dương đạt quy mô lớn vẫn còn ít. Để ngành chế biến gỗ xuất khẩu tỉnh nhà phát triển bền vững, các DN gỗ cần phải lớn mạnh, tăng cường đổi mới công nghệ và có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Ngành chế biến gỗcủa Bình Dương được khách hàng nước ngoài đánh giácao, song vấn đề mà các DN gỗ đang gặp phải nhiều nhất là vốn. Ông mong muốn các ngành chức năng tiếp tục tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đẩy mạnh sản xuất, đầu tư công nghệ, mở rộng nhà xưởng… để đứng vững trên thị trường.

 TIỂU MY