Gỡ khó về vốn giúp hợp tác xã phát triển

Thứ ba, ngày 15/07/2014
Nguồn vốn 50 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ vốn kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh được xem là người bạn đồng hành của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn. Đây là một kênh dẫn vốn thiết thực, hiệu quả giúp các HTX giải quyết khó khăn về vốn và thêm động lực bước tới. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân việc tiếp cận nguồn vốn này hiện vẫn rất khó khăn!

 18 tháng giải ngân 12 hồ sơ vay

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động của các HTX cũng không mấy thuận lợi, trong đó vốn đầu tư cho phát triển ngành nghề là nhu cầu tài chính hết sức cần thiết của nhiều HTX. Việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với HTX thường gặp trở ngại vì nhiều HTX không có tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay.

   Thiếu vốn, HTX suy giảm khả năng phát triển. Trong ảnh: Sơ chế mủ cao su tại HTX Cao su Nhật Hưng (TX. Tân Uyên) Ảnh: T.HỒNG

Nhằm giải quyết khó khăn này, UBND tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX từ năm 2013, tạo kênh vốn phục vụ nhu cầu phát triển loại hình KTTT trên địa bàn. Thông qua Liên minh HTX tỉnh, việc tài trợ vốn cho các dự án sản xuất, kinh doanh (SXKD), thủ tục vay vốn, thẩm định, giải ngân… do Liên minh HTX tỉnh thực hiện.

Có thể nói, nguồn quỹ này dồi dào, trợ vốn linh hoạt và thấp hơn so với lãi suất tín dụng ngân hàng (7,2%/năm kỳ hạn trung hạn; 9%/năm kỳ hạn ngắn hạn) là yếu tố thuận lợi để các HTX mạnh dạn vay vốn để trợ giúp cho thành viên đầu tư vào SXKD. Thế nhưng, từ năm 2013 đến nay, số lượng hồ sơ được giải ngân nguồn vốn quỹ rất khiêm tốn. Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh cho thấy, từ năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2014, trong tổng số 123 HTX và 254 tổ hợp tác (THT) trên địa bàn, toàn tỉnh chỉ có 12 hồ sơ vay được tiếp cận nguồn vốn với tổng dư nợ cho vay chỉ đạt trên 17,6/50 tỷ đồng. Số còn lại vẫn đang loay hoay với bài toán tìm cách nào vay vốn đề đầu tư SXKD cho HTX mình.

Điều kiện vay khó

Liên quan đến vấn đề khó giải ngân nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, khẳng định hiện tại nguồn vốn quỹ còn thừa trên 32 tỷ đồng. Cái khó trong thời gian qua của các HTX dẫn đến giải ngân vốn chậm do nhiều nguyên nhân nhưng trước hết, các HTX đều ở trong thực trạng nội lực yếu, rất lúng túng trong xây dựng phương án, dự án SXKD, lại gặp vướng mắc về thủ tục tài sản thế chấp nên rất khó giải quyết cho vay nguồn vốn quỹ. Với nhiều quy định ràng buộc của quỹ và quỹ phải bảo đảm yêu cầu bảo toàn vốn như mục tiêu hoạt động, nên theo quy chế, quỹ chỉ trợ vốn cho các HTX. Điều này đồng nghĩa các THT chưa phải là đối tượng phục vụ vốn của quỹ.

Về các điều kiện cho vay khác, ông Lê Thanh Sơn cũng cho biết thêm, các HTX phải có tiểu sử vay “sạch”, có phương án dự án SXKD khả thi, bảo đảm khả năng thanh toán nợ vay, lãi vay và phải có tài sản thế chấp... Trên thực tế, nếu tiến hành cho vay không có tài sản thế chấp hoặc tài sản bảo đảm thấp hơn giá trị cho vay thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì thế Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã tạo điều kiện bằng hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, đây là biện pháp để cho người vay (HTX) bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay của bên vay đối với quỹ. Thế nhưng, trong thực tế khi bắt tay giải ngân thì vướng bên thứ ba, nhiều dự án vay vốn bị phá sản. Do thực tế vẫn còn nhiều yếu tố khó khăn nội tại của HTX và các quy định, chính vì vậy tỷ lệ HTX đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ vẫn còn thấp.

Giải bài toán khát vốn cho HTX

Không thể phủ nhận Quỹ hỗ trợ phát triển HTX là động lực góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Liên minh HTX tỉnh đã tích cực khảo sát thực tế, nắm bắt và giải quyết các vấn đề về trụ sở, đất đai, kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc, tư vấn hỗ trợ các HTX tiếp tục SXKD có hiệu quả. Nhưng thực tế, việc triển khai nguồn quỹ này trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

Giám đốc HTX Vận tải Bến Cát (TX.Bến Cát) Nguyễn Anh Tài cho hay HTX hiện có 25 xe buýt vận tải hành khách, khoảng 30 - 40% số xe buýt này đang xuống cấp. HTX đặt vấn đề vay vốn 1 tỷ đồng để nâng cấp, đầu tư thêm 8 xe buýt tuyến TP.Thủ Dầu Một - xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng nhưng rất khó khăn; trong đó, yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng minh quyền sở hữu tài sản thì HTX rất khó đáp ứng. Vì tài sản của HTX, các xã viên tham gia chỉ là góp vốn bằng tiền hoặc phương tiện, do vậy những tài sản đó không đủ điều kiện để thế chấp. Còn biên bản họp lấy ý kiến của các thành viên về việc vay vốn của HTX lại càng không thể vì các thành viên không ký tên khi mình không vay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN THANH LIÊM: Tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để HTX phát triển

HTX là yếu tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, cũng là loại hình kinh tế hợp tác được ưu tiên nhiều nhất tại Bình Dương. Do vậy, các HTX cần tập trung chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng thị trường, kết hợp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý điều hành HTX… Ngoài ra, HTX cũng cần sự hỗ trợ của các địa phương trong việc làm tốt vai trò cung ứng dịch vụ, chủ động về giá cả, đầu ra để xã viên sản xuất. Về phía Liên minh HTX tỉnh, cần chú ý đến tư vấn, hướng dẫn, phổ biến rộng rãi các thông tin về nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; nghiên cứu, rà soát giảm bớt một số quy chế vay sao cho HTX tiếp cận vốn dễ dàng nhưng vẫn phù hợp quy định. Tỉnh sẽ xem xét giảm lãi vay nguồn quỹ này còn khoảng 5%/năm

Hy vọng với sự tiếp sức này, mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc trong thời gian tới.  

Dẫn chứng một khó khăn khác, ông Tài cho biết quy định cũng yêu cầu vay mua phương tiện vận tải mới 100%. Với điều kiện này, chỉ cá nhân có thể chấp nhận đầu tư và vay vốn, trong khi HTX thì không thể làm như vậy vì xe buýt mới trị giá lên tới 1,2 - 1,3 tỷ đồng, vừa không có khả năng thanh toán khoản vay, vừa không khả thi trong điều kiện kinh doanh vận tải đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Khó khăn về nguồn vốn do vướng các quy định không chỉ có ở HTX Vận tải Bến Cát mà là tình trạng chung của nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh như HTX Bò sữa Long Tân (xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng), HTX Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một), HTX Nhật Hưng (TX.Tân Uyên)...

Tiếp xúc với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo Bùi Văn Quen; Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng Nguyễn Tấn Lực… đều chia sẻ, hiện các HTX, THT trên địa bàn huyện đang rất khát vốn. Theo Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các HTX, THT có thể tiếp cận được nguồn vốn mà không cần tài sản thế chấp. Quy định là vậy nhưng hiện tại việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn rất khó khăn, quay sang tìm vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng vướng các điều kiện tương tự ngân hàng. Còn THT không có tư cách pháp nhân nên nhìn chung các THT gặp rất nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch kinh tế, tranh thủ các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước và trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh… Chính vì vậy, vốn vẫn là “cơn khát” triền miên của các HTX và THT. 

 THANH HỒNG