Gỡ khó trong triển khai chương trình sách giáo khoa mới lớp 10

Thứ tư, ngày 12/10/2022

(BDO) Cùng với cả nước, năm học 2022-2023, học sinh (HS) lớp 10 trên địa bàn tỉnh bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng theo hướng phân hóa cao, định hướng phát triển nghề nghiệp tương lai. Qua hơn một tháng thực hiện, nhiều HS, giáo viên vẫn còn bối rối, gặp khó với chương trình GDPT mới.

 HS lớp 10 trường THPT Thái Hòa, TX.Tân Uyên trong giờ học

 Linh hoạt tổ chức dạy và học

Thay vì phải học 17 môn như chương trình cũ, bắt đầu từ năm học 2022-2023, chương trình GDPT mới lớp 10 gồm 2 phần bắt buộc và tự chọn. Cụ thể, tất cả HS sẽ học 6 môn bắt buộc và 2 hoạt động giáo dục (hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương). Ngoài ra, HS được chọn 4 môn trong tổng số 9 môn để học, gồm: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật và âm nhạc.

Tại trường THPT Thái Hòa (TX.Tân Uyên), sau hơn một tháng triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 10, mọi hoạt động đều tương đối ổn. Năm học 2022-2023, trường THPT Thái Hòa có 7 lớp 10 với 275 HS. Thầy Phạm Bảo Toàn, Phó Hiệu trưởng trường THPT Thái Hòa cho biết, việc triển khai chương trình GDPT mới lớp 10 của trường diễn ra tương đối ổn định là nhờ cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới. Đội ngũ giáo viên trẻ, năng động, có thể nắm bắt nhanh nên có thể linh hoạt trong mọi tình huống. Mặt khác, vì để tổ chức dạy học sát với cơ cấu đội ngũ giáo viên, nhà trường định hướng cho HS theo các tổ hợp môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội, tránh bị động trong việc bố trí giáo viên.

Em Cao Tuấn Kiệt, HS lớp 10/6, trường THPT Thái Hòa chia sẻ: “Lúc đầu chương trình mới đã gây bối rối cho em do cả nội dung kiến thức lẫn phương pháp dạy đều mới mẻ. Tuy nhiên, em đã cố gắng làm quen và thích nghi dần với các phương pháp của thầy cô. Các thầy cô đã cho chúng em làm việc nhóm và thuyết trình nhiều hơn để cải thiện khả năng giao tiếp của bản thân và tạo hứng thú trong mỗi tiết học thay vì phương pháp học truyền thống trước đây”.

Còn với em Phan Thị Kim Hằng, HS lớp 10A8 trường THPT Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) thì cho biết, trong thời gian nghỉ hè em có nghiên cứu qua chương trình GDPT 2018 và nhận thấy nội dung kiến thức không khác nhiều, chỉ thay đổi phương pháp tiếp cận. Do đó, tâm lý của em khi bước vào năm học mới khá thoải mái, không bị áp lực khi làm quen với chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới.

Hỗ trợ tối đa

Theo tìm hiểu của P.V, dù đã được tập huấn và tìm hiểu trước nhưng một số giáo viên và HS vẫn còn gặp một số khó khăn khi triển khai thực hiện chương trình GDPT mới trong thực tế. Chương trình GDPT mới ở bậc THPT sẽ có thêm môn giáo dục địa phương, có 2 phân môn mỹ thuật và âm nhạc. Hầu hết các trường hiện nay đều gặp khó khăn về giáo viên dạy 2 phân môn này nên chưa thể triển khai giảng dạy. Bên cạnh đó, các trường mong sớm được cung cấp trang thiết bị để phục vụ tốt cho nhiệm vụ dạy học ngay từ đầu năm học.

Thầy Nguyễn Phúc Lộc, Phó Hiệu trưởng trường THPT Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên) cho rằng: Khó khăn chung của các trường là thiếu giáo viên dạy bộ môn, nhất là các bộ môn nghệ thuật. Năm học này có một số em đăng ký chương trình mới có môn âm nhạc, mỹ thuật nhưng trường không có giáo viên và phòng bộ môn nên không thể triển khai cho HS.

“Trước đó, để HS hiểu rõ chương trình GDPT 2018, trong năm học 2021-2022, nhà trường đã gửi thông báo tới các trường THCS để tư vấn tuyển sinh, phổ biến những thay đổi trong chương trình học để HS nắm rõ và xác định năng lực của bản thân. Sau khi trúng tuyển vào lớp 10, HS cùng phụ huynh tiếp tục được nhà trường phổ biến, tư vấn chọn tổ hợp một lần nữa trước khi đăng ký nguyện vọng. Hiện tại nhà trường cũng đang tổ chức dạy học buổi thứ 2 cho các em lớp 10 để bổ sung thêm kiến thức cho các em ở môn toán và tiếng Anh”, thầy Lộc chia sẻ thêm.

Thầy Nguyễn Trường Khang, giáo viên dạy môn toán trường THPT Thái Hòa chia sẻ, việc làm quen với các nội dung trong chương trình mới đã gây lúng túng cho cả giáo viên lẫn HS. Nội dung kiến thức cũng nặng hơn, một số kiến thức nâng cao hơn, nhưng số tiết học lại ít hơn so với chương trình cũ nên giáo viên phải dạy nhanh, HS ít có thời gian để luyện tập.

Để khắc phục những khó khăn trước mắt, Ban Giám hiệu các trường THPT đã yêu cầu các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục cụ thể, giúp cho các giáo viên nắm bắt được nội dung dạy của từng tiết để tránh bị động, bỡ ngỡ. Trong những tuần đầu năm học, giáo viên tập trung hướng dẫn HS cách tiếp cận với kiến thức trong sách giáo khoa mới. Ban Giám hiệu nắm bắt tình hình của HS thông qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để biết được nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của các em và tiến hành đánh giá hiệu quả triển khai giảng dạy, đặc biệt là chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, sau một tuần học, các trường cũng đã hỏi ý kiến HS về nguyện vọng thay đổi tổ hợp môn học. Với những em có nguyện vọng thay đổi tổ hợp, giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp với nhà trường nghiên cứu hồ sơ học bạ ở THCS để biết được năng lực, sở trường nhằm đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho HS.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: “Về cơ bản, các trường THPT đều đáp ứng đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phục vụ chương trình GDPT mới ở lớp 10. Bước vào năm học mới, sở cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Tỉnh cũng đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Nội vụ cần có chính sách đặc thù nhằm thu hút đối với giáo viên môn nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu giáo viên cho chương trình GDPT 2018 trong thời gian tới”.

 Thay vì phải học 17 môn như chương trình cũ, bắt đầu từ năm học 2022-2023, chương trình GDPT mới lớp 10 gồm 2 phần bắt buộc và tự chọn. Cụ thể, tất cả HS sẽ học 6 môn bắt buộc và 2 hoạt động giáo dục (hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương). Ngoài ra, HS được chọn 4 môn trong tổng số 9 môn để học gồm: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật và âm nhạc.

 HỒNG PHƯƠNG