Gỡ khó, thúc đẩy phát triển
(BDO) Nghị định số 45/2022/ NĐ-CP của Chính phủ quy định, hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 vừa chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định này được ban hành nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật về BVMT và phù hợp pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành; đồng thời đưa ra biện pháp chế tài về xử phạt các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.
Căn cứ theo những điều khoản được quy định tại Luật BVMT năm 2020, Nghị định 45/2022/NĐ-CP đưa ra những quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể về các nội dung liên quan đến nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt và bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt các trường hợp vi phạm hành chính lĩnh vực BVMT.
Như vậy, việc chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đang có hiệu lực theo Nghị định số 155/2016/NĐ- CP; Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/N-CP được xây dựng trên cơ sở pháp lý là Luật BVMT năm 2014 sẽ chính thức được thay thế bằng Nghị định 45/2022/NĐ-CP. Ngoài ra, một số điều khoản quy định về Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 năm 2017 cũng sẽ được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định hiện hành về lĩnh vực BVMT.
Đứng trên góc nhìn pháp lý, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng Luật BVMT năm 2020 và Nghị định 45/2022/ NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở sâu sát và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Những điều khoản quy định mới không chỉ là hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình mà còn giúp các tổ chức, cá nhân có những hoạt động liên quan đến lĩnh vực được “cởi trói” chính sách và mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển kinh tế.
Trên cơ sở những quy định phù hợp, cân đối hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người dân, các văn bản luật và dưới luật được ngành chức năng xây dựng khá chặt chẽ. Theo đó, Nhà nước có xu hướng tập trung xây dựng những thiết chế pháp luật theo hướng gỡ bỏ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển. Tuy nhiên, đối với những trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm, Nhà nước cũng tăng mức hình phạt bảo đảm tính răn đe.
KHÁNH LINH