Gỡ khó ở thị trường nội địa cho ngành dệt may

Thứ hai, ngày 01/04/2019

(BDO) Năm 2018, tuy giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam đạt trên 36 tỷ USD, tại Bình Dương đạt 2 tỷ 731 triệu USD, nhưng tại thị trường nội địa nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may vẫn chưa quan tâm đúng mức. 

Còn nhiều hạn chế

Ghi nhận cho thấy, hiện nhiều hàng hóa dệt may ngoại nhập đã có mặt tại thị trường trong nước. Chẳng hạn, tại shop NiNi, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, các mặt hàng may mặc của Trung Quốc, Thái Lan được bày bán rất nhiều, trong khi đó hàng Việt loại bình dân khá ít.

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty May Quốc Tế, thời gian qua công ty rất quan tâm đầu tư cho ra sản phẩm mang thương hiệu của mình, với giá cả phải chăng, hướng đến khách hàng trong nước. Bà Trang cho biết, các DN trong nước muốn xây dựng thương hiệu thời trang cần làm theo mô hình tập trung khép kín, từ thiết kế, may mẫu, sản xuất đến phân phối nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh tốt và có sự khác biệt. Bên cạnh đó, DN trong nước cần chủ động từ nguyên phụ liệu đến đội ngũ lao động có tay nghề giỏi; quan tâm tốt khâu thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu và tích cực mở rộng hệ thống bán lẻ nhằm chiếm lĩnh thị phần và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Dây chuyền sản xuất tại một công ty dệt may trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TIỂU MY

Đại diện các DN dệt may khác trong tỉnh cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với các DN dệt may trong nước hiện nay nằm ở vốn để đầu tư và khâu thiết kế. Thực tế, DN muốn cạnh tranh được thì phải làm ra những sản phẩm đẹp, giá rẻ, chất liệu tốt… Để làm được điều này đòi hỏi DN phải đầu tư mạnh cho công nghệ, thiết kế và lao động tay nghề giỏi.

Cần sự nỗ lực lớn của các bên liên quan

Hiện nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực, nhiều sản phẩm nhập ngoại nhờ đó được giảm thuế nhanh, trong đó có các sản phẩm thời trang nổi tiếng như Zara, H&M, Old Navy… Trong khi đó, ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam chưa bắt kịp xu hướng thời trang toàn cầu, bởi đội ngũ các nhà thiết kế và DN dệt may trong nước vẫn phải tự thân vận động, vì trong cả nước chưa có trường đào tạo đội ngũ thời trang chuyên nghiệp, thiếu trung tâm nguyên liệu ổn định...

Năm 2019, ngành dệt may nước ta được đánh giá sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), khẳng định muốn phát triển thị trường nội địa, các DN dệt may cần đủ mạnh về tài chính, có kế hoạch đầu tư, phát triển bài bản để tăng hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, các DN phải liên tục đổi mới, cả về phương thức quản lý lẫn hệ thống máy móc, thiết bị; tập trung nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; đồng thời chủ động từ khâu nguyên phụ liệu đến đội ngũ lao động có tay nghề giỏi nhằm phát triển bền vững.

Bà Trang cho rằng, muốn phát triển tại thị trường nội địa, các DN dệt may trong nước cần đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách bài bản, chuyên nghiệp thông qua việc xác định dòng sản phẩm tham gia thị trường. Mặt khác, các DN phải xây dựng hệ thống sản xuất chuyên nghiệp, sản xuất các sản phẩm chất lượng, thiết kế phù hợp, theo kịp nhu cầu thời trang quốc tế. Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng hóa nhập lậu giúp lành mạnh hóa thị trường.

Ông Trần Văn Tùng, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, chia sẻ hiện nay, ngành muốn kiểm tra hay bắt hàng gian hàng giả thì phải có đơn tố giác của chính đơn vị bị giả mạo nhãn hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, chính các đơn vị này sợ bị ảnh hưởng đến thương hiệu nên không làm đơn tố giác, do đó lực lượng quản lý thị trường không thể vào cuộc.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì cho rằng, thực tế hàng dệt may Việt Nam chất lượng không thua kém hàng ngoại, nhưng tâm lý nhiều người vẫn còn “sính ngoại” khiến các DN dệt may trong nước gặp khó tại thị trường nội địa. Do đó, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng dệt may trong nước chiếm lĩnh thị trường nội địa, các ngành, các cấp cần tuyên truyền sâu rộng đến người dân, nhất là vùng sâu vùng xa. Các DN dệt may cần thay đổi cung cách tiếp cận thị trường, tích cực phối hợp mở rộng thị trường, nhất là khu vực nông thôn…

 Theo Sở Công thương, hàng năm sở khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường kết hợp tổ chức bán hàng lưu động đưa hàng hóa bình ổn về khu vực có các khu, cụm công nghiệp và các xã trong tỉnh, đặc biệt là đối với DN bán hàng may mặc. Bên cạnh đó, sở tăng cường kiểm tra, giám sát để DN bán hàng hóa bảo đảm giá cả, chất lượng và thời gian đúng theo cam kết. Sở cũng chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua các phiên chợ vui nhằm tạo sự hưởng ứng, phấn khởi của người dân tại khu vực nông thôn trong tỉnh.

 

 TIỂU MY