Gỡ khó đầu ra cho nông sản

Thứ năm, ngày 21/03/2019

(BDO) Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đã đạt được kết quả khả quan, tạo chuyển biến rõ nét trong ngành nông nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, để phát triển nền nông nghiệp bền vững, tỉnh cần xây dựng chuỗi cung ứng và tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với tình hình mới.

Chuỗi cung ứng còn lỏng lẻo

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua nền nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, tuy vậy các doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp còn không ít khó khăn. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp, người sản xuất nông nghiệp trong tỉnh chưa đủ lớn nên hợp đồng tiêu thụ không ổn định; thị trường tiêu thụ chưa phân biệt rõ giữa sản phẩm ứng dụng công nghệ cao bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và sản phẩm thông thường, nên việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, dịch vụ nông nghiệp, vật tư nông nghiệp phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao chưa được sản xuất tại chỗ, còn phụ thuộc vào nhập khẩu nên giá thành cao. Do đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp chưa được phát triển rộng rãi.

 Thu hoạch bưởi tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: TIỂU MY

Ông Võ Minh Tấn, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết hiện nay hợp tác xã cung ứng bưởi cho hệ thống siêu thị Co.op mart và các cửa hàng lớn trong và ngoài tỉnh nên bảo đảm đầu ra ổn định cho các thành viên hợp tác xã. Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực để tạo đầu ra ổn định cho các thành viên nhưng đơn vị cũng chỉ thu mua nông sản đạt chuẩn VietGAP cung ứng ra thị trường nhằm bảo đảm uy tín và thương hiệu cho hợp tác xã. Các sản phẩm không sản xuất theo quy trình VietGAP thường được bán qua thương lái với giá cả, đầu ra bấp bênh hơn.

Ông Nguyễn Thanh Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Ổi Thanh Kiên, cũng cho rằng dù đã rất nỗ lực để tìm kiếm thị trường nhưng phần lớn sản phẩm của hợp tác xã vẫn xuất qua khâu trung gian. Hiện nay, ổi của đơn vị vẫn chưa vào được các siêu thị do gặp quá nhiều khâu, thủ tục…

Tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức mới đây, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả của cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện. Tuy vậy, hạn chế lớn nhất hiện nay đối với ngành này là khâu tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là về xuất khẩu; bên cạnh đó thiếu mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, do quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán nên rất khó khăn cho việc đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện nhiều doanh nghiệp chưa chú ý đến việc liên kết sản xuất với hợp tác xã. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu như khô hạn, xâm nhập mặn, dịch bệnh và việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học gây ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ vườn cây, năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm…

Ghi nhận cho thấy, thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp, nông dân trong tỉnh còn thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ nên gặp không ít khó khăn trong việc hoạch định, cơ cấu vụ mùa. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện sở đang đăng ký thực hiện đề tài xây dựng chuỗi giá trị cho cây có múi trên địa bàn tỉnh. Hy vọng, khi đề tài được triển khai sẽ huy động được những nguồn lực từ các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh để đẩy mạnh liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thị sản phẩm.

Tổ chức lại sản xuất

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 giá trị kim ngạch xuất khẩu hoa quả đạt trên 3,6 tỷ USD thì việc tổ chức lại sản xuất là vấn đề cấp bách. Mỗi địa phương nên chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn; tuyên truyền vận động nông dân liên kết với nhau tổ chức sản xuất, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng vùng trồng tập trung chuyên canh. Đặc biệt, các hợp tác xã kiểu mới với vai trò liên kết sản xuất phải bảo đảm truy xuất nguồn gốc, kết nối các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm.

Phó giáo sư - tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học quốc tế Hồng Bàng (TP.Hồ Chí Minh), cho rằng nguyên nhân khiến cho tỷ lệ nông sản trong nước tổn thất cao là quy trình sản xuất chưa hoàn thiện, thiếu sơ chế sau thu hoạch. Các khoản đầu tư hiện nay hầu như được ưu tiên cho nông sản xuất khẩu, trong khi chuỗi nông sản tiêu thụ trong nước còn rời rạc, thậm chí bị gián đoạn ở nhiều khâu, kể cả khâu cuối cùng; chẳng hạn như hàng thực phẩm tươi sống chưa thể giao đến siêu thị lại bị “phơi” dưới nắng nóng chứ không được tổ chức để lưu kho lạnh, kho mát ngay. Thêm vào đó, việc sơ chế nông sản sau thu hoạch vẫn còn khá thủ công. Trên nguyên tắc, khâu sơ chế nông sản phải được chú trọng thực hiện ngay sau khi thu hoạch, có như thế mới giúp giảm khối lượng hàng hóa cần chuyên chở, đồng thời giảm tỷ lệ hư hỏng hàng hóa.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, cho hay sở đang nghiên cứu mô hình LocalG.A.P để ứng dụng cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Hiện mô hình GlobalG.A.P. còn mới và quá sức đối nông dân Việt Nam, nên họ cảm thấy bị hụt hơi, do đó nếu đưa thẳng yêu cầu quốc tế vào những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì gần như bất khả thi. Làm nông nghiệp theo LocalG.A.P. chắc chắn sẽ đạt khoảng 30% tiêu chuẩn của GlobalG.A.P, và đó là những tiêu chuẩn quan trọng nhất, đóng vai trò chủ chốt. Đối tượng chủ yếu của chương trình Local G.A.P nhằm tạo thuận lợi cho hộ sản xuất và nhà sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là sản xuất quy mô nhỏ đang chiếm hơn 70% tỷ trọng nông nghiệp của Việt Nam, để nhóm đối tượng này có cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn.

 Đến nay, toàn tỉnh có trên 4.000 ha ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, trong đó có 62 trang trại được cấp giấy chứng nhận VietGAP; có 119 trang trại chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 6,2 triệu con, 140 trang trại nuôi heo thịt, heo giống với tổng đàn trên 425.000 con.

TIỂU MY

Từ khóa: