Gỡ khó cho doanh nghiệp khoa học - công nghệ
(BDO) Trong thời đại mở cửa, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra, lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về doanh nghiệp (DN) nào biết ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh. Đối với DN khoa học - công nghệ (KHCN), việc đầu tư cho KHCN là thiết yếu, tuy nhiên DN KHCN vẫn còn không ít khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Nhiều trở ngại
Một trong những “nút thắt” hiện nay đối với DN KHCN là việc tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư thiết bị, công nghệ mới cũng như chi phí cho việc nghiên cứu cải tiến công nghệ sản xuất đang còn gặp nhiều khó khăn. Bà Hứa Thị Huần, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và Môi trường CAXE, cho biết hiện nay cơ chế, chính sách hỗ trợ DN KHCN đã có, tuy nhiên việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và nguồn hỗ trợ là rất khó khăn. Điều đáng nói, hiện chưa có sự phối hợp tốt giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN KHCN.
Việc tạo điều kiện cho DN KHCN tiếp cận với các nguồn vốn sẽ giúp DN đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất. Trong ảnh: Sản phẩm lò hơi 1200KG của Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và Môi trường CAXE.
Ảnh: HOÀNG PHẠM
Mặt khác, để nhận được hỗ trợ thì DN KHCN phải chứng mình được sản phẩm đăng ký là hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chứng minh việc sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp các kết quả KHCN, giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ từ các kết quả KHCN… Điều này cũng gây khó cho DN KHCN, bởi lẽ khi DN đầu tư một công nghệ mới hay dây chuyền mới chủ yếu thực hiện hợp đồng mua bán thiết bị thông thường nên khi yêu cầu hồ sơ chứng minh việc tiếp nhận và làm chủ công nghệ thì DN khó cung cấp. Hơn nữa, trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, hoàn thiện sản phẩm thì DN KHCN phải tự bỏ chi phí, DN chỉ nhận được sự hỗ trợ từ chính sách khi chứng minh được tính hiệu quả của công nghệ, điểm mới của sản phẩm - mà điều này chỉ khi việc nghiên cứu hoàn tất mới đánh giá được.
Theo lãnh đạo các DN KHCN khác, hiện việc công nhận kết quả nghiên cứu còn bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật, như việc giới hạn về ngành nghề hoặc sản phẩm tạo ra từ ngành nghề đó ở lĩnh vực công nghệ cao là chưa hợp lý. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, dẫn chứng theo Quyết định 49/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển gồm công nghệ sản xuất gốm sứ kỹ thuật cao cấp cho công nghiệp điện, điện tử, chế tạo máy, công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp nhưng đến năm 2014 lại thay đổi danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển (theo Quyết định 66/2014/ QĐ-TTg), trong đó không có công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp. Do đó Minh Long I gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, cải tiến máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, vì không phải DN nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư cho KHCN.
Linh hoạt từ chính sách
Theo các DN KHCN, trở ngại lớn nhất khi phải xây dựng những dự án sản xuất, kinh doanh là phải giải trình toàn bộ quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ, chứng minh các sản phẩm hàng hóa phải được hình thành từ kết quả KHCN, luôn bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh; cùng với đó thủ tục còn rườm rà, phức tạp… Bên cạnh đó, thời gian cấp kinh phí cho DN KHCN còn kéo dài, có khi đến 1 năm sau khi được xét quyệt.
Ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KHCN, cho biết để được cấp kinh phí DN KHCN phải thực hiện theo đúng các yêu cầu thì mới được hưởng chính sách. Đây cũng là một trong những trở ngại trong việc hình thành DN KHCN cũng như thúc đẩy các DN KHCN triển khai nghiên cứu, đổi mới KHCN. Sở đã trình lên Bộ KHCN để tham mưu có giải pháp điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Về kinh phí trong quá trình nghiên cứu, DN KHCN có thể dùng Quỹ phát triển KHCN tại DN hoặc là vay vốn từ Quỹ KHCN của tỉnh để có kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, đổi mới KHCN.
Sở KHCN cũng khuyến nghị các DN KHCN khi triển khai những nghiên cứu để hưởng các chính sách cần chú ý việc trùng lắp đề tài, tiến hành đăng ký bảo hộ, đăng ký sở hữu trí tuệ sau khi đã cải tiến thiết bị hoặc là phát minh mô hình, công nghệ sản xuất mới… để tránh tình trạng đề xuất không được chấp thuận và việc kiện tụng về vấn đề bản quyền. Ngoài ra, để có kinh phí DN KHCN có thể tham gia các chương trình quốc gia như Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020…
HOÀNG PHẠM