Gỡ khó cho công trình chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy

Thứ tư, ngày 18/12/2024

(BDO) Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn rất nhiều công trình được đưa vào sử dụng nhưng chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc cũng như hướng dẫn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, mới đây Công an tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với đại diện các doanh nghiệp, cơ sở này.


Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Nhiều doanh nghiệp vi phạm về PCCC

Tại hội nghị, chủ đầu tư, người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở chưa nghiệm thu, thẩm duyệt về PCCC nhưng đã đi vào hoạt động chia sẻ đã có nhận thức, quan tâm thực hiện các giải pháp an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH). Tuy nhiên, vì còn nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan mà chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào sử dụng. Đại diện một số cơ sở cho biết cần thời gian để khắc phục các tồn tại, thiếu sót do phải thực hiện các bước như thiết kế bản vẽ, thẩm duyệt, thi công công trình và nghiệm thu về PCCC.

Tại TP.Thủ Dầu Một hiện có 23 công trình, cơ sở đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu, thẩm duyệt về PCCC. Thượng tá Võ Đức Tín, Phó trưởng Công an TP.Thủ Dầu Một, cho biết trong quá trình kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở này, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố đã hướng dẫn tận tình các quy định của pháp luật về an toàn PCCC. Hiện tại các doanh nghiệp đang bị đình chỉ, hiển nhiên là không được hoạt động. Các doanh nghiệp phải nhận thức được cơ quan quản lý nhà nước không phải “làm khó” doanh nghiệp mà đây là trách nhiệm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để được hướng dẫn các vấn đề tồn tại.

Hội nghị là cơ hội để doanh nghiệp đối thoại, trình bày những khó khăn, vướng mắc cũng như được hướng dẫn trực tiếp quy trình thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC từ phía cơ quan chức năng. Bên cạnh một số doanh nghiệp có khả năng khắc phục thì vẫn còn nhiều cơ sở còn tồn tại vi phạm nghiêm trọng, bị xử phạt nhiều lần, không có khả năng khắc phục, hiện đã bị đình chỉ hoạt động. Đại diện Công ty TNHH Kairai Emterpries Việt Nam (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) nhận thức được những vấn đề tồn tại của công ty nên theo định hướng, công ty sẽ di dời đi nơi khác.

Đại diện Công ty TNHH Thành Thái (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), cho biết doanh nghiệp đã hoạt động hơn 20 năm. Giai đoạn trước đây chưa nhận thức đầy đủ về công tác PCCC, chính vì vậy công trình tồn tại nhiều bất cập. Tuy nhiên, nhận thức được vai trò của công tác PCCC trong giai đoạn hiện nay, phía công ty sẽ có định hướng di dời đi nơi khác. Đối với các trường hợp chuẩn bị di dời, Công an tỉnh yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết về thời gian di dời và bảo đảm tuân thủ quy định về PCCC trong thời gian chờ di dời.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoan, đại diện cho Doanh nghiệp tư nhân Hương Quỳnh (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một), cho biết vấn đề PCCC là trách nhiệm của tất cả mọi người và đặc biệt là các doanh nghiệp. Tôi nhận thấy buổi đối thoại ngày hôm nay rất cần thiết để doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc. Tôi đánh giá cao tinh thần lắng nghe của cơ quan công an trong lĩnh vực này. Tôi mong muốn các cơ quan, ban ngành hữu quan, nhất là cơ quan chuyên môn về phòng cháy hướng dẫn cho tôi hoàn thiện các thủ tục còn lại để đưa nhà xưởng vào sản xuất.

Doanh nghiệp nên chủ động phối hợp

Sau khi lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh đã hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC; hướng dẫn quy trình thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC; trao đổi một số điểm cần tháo gỡ giữa các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ và quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn mới; đồng thời triển khai, hướng dẫn chủ doanh nghiệp thực hiện cam kết về bảo đảm chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC.

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, cho rằng một phần dẫn đến những tồn tại của các doanh nghiệp chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh là do nhận thức của người đứng đầu cơ sở về công tác PCCC còn chưa đầy đủ. Tới đây, khi thực hiện Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐTP ngày 24-5-2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư đều rất rõ ràng. Khi xảy ra cháy, nổ thì người đứng đầu cơ sở phải chịu trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm hình sự. Công an tỉnh chỉ đưa ra giải pháp cơ bản, còn thực hiện cụ thể từng hạng mục như thế nào thì phía chủ đầu tư phải chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong thực hiện nhằm khắc phục những tồn tại.

Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Công an TP.Thủ Dầu Một phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh tiếp tục làm việc trực tiếp với doanh nghiệp liên quan đến những vấn đề tồn tại, hướng dẫn quy trình thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Các công trình, cơ sở hiện đang bị đình chỉ hoạt động phải chấp hành nghiêm các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước.

TÂM TRANG