Gỡ khó cho cai nghiện bắt buộc
Đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc không chỉ giúp những đối tượng có cơ hội làm lại cuộc đời mà còn giúp ngăn chặn phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự địa phương. Thế nhưng, từ tháng 2-2014, khi Nghị định 221 của Chính phủ có hiệu lực thì công tác này gặp không ít khó khăn. Để tháo gỡ những khó khăn đó, UBND tỉnh đã chủ động ban hành quyết định, giải pháp để công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện một cách nhanh, gọn.
(BDO)
Tại Trung tâm Giáo dục - Lao động - Tạo việc làm tỉnh, học viên được học tập, tạo việc làm và điều trị Ảnh: T.LÝ
Việc phát hiện, lập hồ sơ đưa các đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện sẽ góp phần giảm tỷ lệ người nghiện, người mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy ngoài xã hội. Với ý nghĩa đó, ngày 30-12-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 221/2013/NĐ-CP về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, theo nghị định, việc áp dụng các văn bản liên quan đến công tác đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều vướng mắc do các quy định của pháp luật chưa cụ thể, đồng bộ và thiếu khả thi so với thực tế. Bên cạnh đó, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả.
Bình Dương hiện có 1.751 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong đó, số người nghiện ngoài xã hội là 1.359 đối tượng, tại trung tâm là 28 đối tượng, trong các trại tạm giam 364 đối tượng. Ông Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, người nghiện ma túy ngoài xã hội nhiều là nguyên nhân phát sinh các tội phạm như trộm cắp, cướp giật... Do đó, cần đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để từ bỏ ma túy.
Theo bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, Nghị định 221 có hiệu lực thi hành từ ngày 15- 2-2014, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện vì liên quan đến nhiều thủ tục. Cụ thể, muốn đưa đối tượng nghiện đi cai bắt buộc, đầu tiên phải xác định tình trạng nghiện rồi xử phạt hành chính, kế đến đưa về giáo dục tại phường, xã; nếu tái nghiện mới đưa đi cai bắt buộc. Thẩm quyền quyết định đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc là tòa án cấp huyện, thị, thành phố. Bên cạnh đó, lực lượng y tế làm nhiệm vụ kiểm tra và thẩm định ma túy rất ít; kinh phí thực hiện việc thẩm định nằm trong kinh phí thường xuyên của ngành công an, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội, như vậy sẽ không phù hợp…
Để công tác quản lý cai nghiện được thực hiện có hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 415/ QĐ-UBND ngày 13-2-2015 giao thêm chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Giáo dục - Lao động- Tạo việc làm tỉnh thực hiện chức năng tiếp nhận, quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Quyết định số 425/QĐ- UBND ngày 14-2-2015 ban hành “Quy chế phối hợp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.
Ông Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh hy vọng với những quyết định rõ ràng của tỉnh, cộng với sự quyết tâm hành động của các ngành, các cấp, toàn thể cán bộ chiến sĩ cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy thì quy trình lập, thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được rút ngắn và được thực hiện thống nhất, đồng bộ. Qua đó nhằm phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
THIÊN LÝ