Gỡ khó cho các cụm công nghiệp
(BDO) Nghị định số 68/2017/ NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) được đánh giá tạo ra “cú hích” cho các CCN trong cả nước phát triển, khắc phục tình trạng khó thu hút các dự án đầu tư, triển khai xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng…
Bình Dương là địa phương thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư và phát triển CCN. Toàn tỉnh hiện có 12 CCN với quy mô 794 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 67%. Theo Quyết định số 47/ QĐ-2015 của UBND tỉnh về quy hoạch phát triển CCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020, có xét đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 13 CCN với diện tích đất 908,74 ha.
Dây chuyền sản xuất giày tại một công ty trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TIỂU MY
Hiện tỉnh đang thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng - kỹ thuật, tiếp thị kêu gọi đầu tư vào các CCN; có 4 CCN đang làm thủ tục thành lập mới, như An Lập (Dầu Tiếng), Tam Lập 2 (Phú Giáo)… Từ nay đến cuối năm 2018, UBND tỉnh tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các CCN đang triển khai; lập đề án xây dựng các CCN hỗ trợ, phục vụ cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; đồng thời xây dựng quy chế quản lý CCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ và vừa.
Mở ra nhiều cơ hội phát triển CCN
Tuy đã đạt được những kết quả tốt và được đánh giá cao về phát triển CCN so với nhiều địa phương khác trong cả nước song qua khảo sát cho thấy, đến nay Bình Dương vẫn còn một số CCN khó thu hút cơ sở sản xuất, kinh doanh vào hoạt động, cùng với đó khó thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng các CCN. Ghi nhận cho thấy, lâu nay cái khó để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng CCN là DN không được ưu đãi như đầu tư xây dựng khu công nghiệp (KCN). Theo quy định của Chính phủ, CCN có diện tích không quá 75 ha, trong khi đó những vấn đề liên quan đến quy hoạch chi tiết, phân khu, cây xanh, xử lý nước thải... đều làm theo tiêu chí của KCN. Bên cạnh đó, vốn đầu tư ban đầu vào CCN lớn, diện tích đất cho thuê không được nhiều và chế độ ưu đãi lại thua thiệt nên rất khó mời gọi đầu tư vào CCN. Hơn nữa, chi phí đầu tư vào CCN cũng lớn gần ngang bằng với đầu tư KCN, nên các nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Nghị định số 68/2017/NĐ- CP của Chính phủ được đánh giá tạo ra thuận lợi cho nhà quản lý và các DN, với nhiều điểm mới quan trọng. Theo nghị định này, về quy mô, ngành nghề thu hút đầu tư, CCN có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha (ở các huyện miền núi và CCN làng nghề thì không dưới 5 ha); thu hút, di dời các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác; riêng đối với CCN làng nghề mới được thu hút đối tượng là cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Nghị định này quy định thống nhất 4 đơn vị quản lý CCN gồm: Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật CCN; Trung tâm phát triển CCN cấp huyện đã được thành lập theo Quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Ban Quản lý CCN cấp huyện là đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện và Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công thương.
Theo Nghị định số 68/2017/ NĐ-CP của Chính phủ, về chính sách ưu đãi, hỗ trợ: Dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN (dự án thứ cấp) được miễn tiền thuê đất 7 năm (CCN làng nghề là 11 năm); dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN được miễn tiền thuê đất 11 năm (CCN làng nghề là 15 năm) và được xem xét vay vốn tín dụng với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Ngoài ra, các dự án thứ cấp được bổ sung vào Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư và các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được bổ sung vào Danh mục nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định và được xem xét đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đối với chính sách hỗ trợ, ngân sách Trung ương hỗ trợ xúc tiến đầu tư, hội nghị, hội thảo tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, nghiên cứu chính sách về CCN. Ngân sách địa phương hỗ trợ tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư; điều tra, khảo sát, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề, khu dân cư vào trong CCN. Ngân sách Trung ương và địa phương xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN, trong đó ưu tiên CCN làng nghề... Nghị định này cũng quy định về quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích; quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; quyền, nghĩa vụ và các thủ tục pháp lý đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN…
Chính quyền đồng hành cùng DN
Theo ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, Nghị định số 68/2017/ NĐ-CP được xem là “cú huých” cho CCN, với nhiều ưu đãi quan trọng. Một trong những ưu đãi nổi bật của nghị định này là quy định những dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN được miễn tiền thuê đất 7 năm và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật; trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất. Cùng với đó, dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN được miễn tiền thuê đất 15 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật; trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
Đối với dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được xem xét đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Riêng dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN làng nghề được miễn tiền thuê đất đến 15 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Nghị định nêu rõ, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí di dời các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề vào CCN làng nghề và mức hỗ trợ cụ thể do UBND tỉnh quyết định; ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương xem xét ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN làng nghề...
Nghị định số 68/2017/NĐ- CP cũng phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Sở Công thương, UBND cấp huyện về nguyên tắc đầu mối trong quản lý CCN; đồng thời có cơ chế báo cáo thống kê xây dựng dữ liệu, cải thiện môi trường kinh doanh cho DN thông qua thực hiện quy tắc một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính…
Ông Dành cho biết, trong quá trình triển khai các dự án thành lập mới, mở rộng, điều chỉnh quy hoạch… các DN nên làm việc trực tiếp với đơn vị chuyên môn của Sở Công thương. Sở sẽ phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tạo mọi điều thuận lợi cho DN theo đúng các nội dung quy định tại Nghị định số 68/2017/ NĐ-CP. Sở Công thương sẽ tiếp tục phát huy tinh thần lắng nghe và hỗ trợ DN; việc nào khó thì tiếp tục tháo gỡ, tiếp tục có chuyển biến về thu hút đầu tư CCN trong thời gian tới.
Tại buổi tập huấn, trao đổi thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn cho các Sở Công thương được tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng nghị định này được kỳ vọng sẽ mang lại sức hút nhiều DN đầu tư vào các CCN. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, chủ dự án các CCN cho rằng do năng lực tài chính của nhà đầu tư có hạn, một khi được hỗ trợ về nguồn vốn, tiền thuế, các DN trong CCN sẽ mạnh dạn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như quan tâm tới các giải pháp bảo vệ môi trường.
TIỂU MY