Gỡ điểm “nghẽn” đầu ra hàng hóa
(BDO) Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động rất lớn tới nền kinh tế cũng như ảnh hưởng tới các chuỗi cung cầu hàng hóa toàn cầu. Sự gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng để lại hậu quả nặng nề và vấn đề đặt ra là cần có các biện pháp để phòng tránh và đối phó thích ứng.
Để bảo đảm kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển thị trường sau đại dịch mang tính ổn định dài hạn thì công tác tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như khuyến khích, định hướng tiêu dùng, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, vận động người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hỗ trợ hàng Việt, DN Việt. Phía DN cũng phải tập trung nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, phân phối hàng hóa và ứng dụng công nghệ số trong quản trị sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, hộ sản xuất với các hệ thống bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại… từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, đặc biệt là việc ứng dụng thương mại điện tử vào phân phối lưu thông là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Bình Dương là tỉnh công nghiệp, có nguồn hàng hóa lớn, phong phú, đa chủng loại. Để đưa sản phẩm, hàng hóa của tỉnh đến với thị trường tiêu thụ, thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục duy trì, cải tiến và đổi mới, sáng tạo trong phương thức tổ chức xúc tiến thương mại để hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất phát triển, mở rộng thị trường. Bên cạnh việc duy trì và củng cố kênh phân phối trực tiếp truyền thống, cần chú trọng việc hỗ trợ, hướng dẫn DN, cơ sở sản xuất tiếp cận kênh phân phối mới, từng bước thực hiện chuyển đổi số; tăng cường kết nối liên vùng, khu vực phối hợp với các địa phương trên cả nước và mở rộng thị trường ngoài nước; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa.
Có thể thấy việc chính quyền tích cực hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất tham gia kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trên cả nước thời gian qua là chìa khóa giúp giảm bớt áp lực cung cầu hàng hóa. Đồng thời, đây là cơ hội lớn để các DN, cơ sở sản xuất đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu, mở rộng thị trường trong nước và thế giới, bảo đảm nguồn cung, tạo chuỗi cung ứng khép kín, hiện đại, hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp.
NHẬT HUY