Giúp trẻ câm điếc hòa nhập cộng đồng
(BDO) Bằng tình thương dành cho những trẻ em thiếu may mắn, các thầy cô giáo đã chung tay cùng cộng đồng xã hội giúp các em vượt qua khiếm khuyết để hòa nhập. Chính những tấm lòng cao cả ấy đã nâng bước chân các em trên con đường tìm kiếm tương lai.
Thông dịch viên ký hiệu ngôn ngữ cho trẻ em khiếm thính tại Trung tâm trẻ khuyết tật Thuận An. Ảnh: T.VY
Giúp trẻ vượt khó
Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An, những lớp học ở đây vô cùng yên ắng, không ê, a đọc chữ như những lớp học bình thường khác bởi các em là những học sinh câm điếc. Để các em được học chữ, phép tính, các thầy cô giáo đã dùng ngôn ngữ ký hiệu để truyền tải kiến thức cho học trò của mình. Dạy các em học sinh bình thường đã khó, dạy các em khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Chính vì vậy các giáo viên ngoài sự kiên trì, phải có tấm lòng, có tình yêu thương, sự thông cảm đối với các em.
Với mong ước để những trẻ câm điếc có thể sớm hòa nhập với cộng đồng, các cán bộ, giáo viên, nhân viên của trung tâm vẫn miệt mài tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đưa những phương pháp giảng dạy mới nhằm cải thiện khả năng nghe hiểu của các em. Mặc dù còn nhiều khó khăn vất vả nhưng với tình thương giành cho học sinh khuyết tật, trung tâm vẫn đang hàng ngày cố gắng, nỗ lực để dìu dắt các em vươn lên, hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 18.000 người bị khuyết tật; trong đó, có trên 3.000 người khiếm thính và gần 2.000 người bị thiểu năng ngôn ngữ. Mất thính lực gây ra các tác hại cho sức khỏe thể chất, tinh thần, giáo dục và việc làm, làm giảm chất lượng cuộc sống. |
Thật khó khăn biết bao khi biết con mình sinh ra bị điếc bẩm sinh. Bằng tình yêu thương, nhiều phụ huynh đã nỗ lực vượt khó, giúp các con vượt qua rào cản để học tập và hòa nhập với cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Tú, mẹ bé Vương Quang Lâm cho biết: “Khi sinh con được 1 năm tuổi, gia đình đã phát hiện bé bị điếc bẩm sinh. Từ đó, gia đình đã không ngừng tìm kiếm những phương pháp để khắc phục khó khăn cho con. Vì thương và lo cho con nên gia đình bao bọc con rất nhiều dẫn đến Lâm không biết tự lập. Mỗi khi muốn, Lâm sẽ chỉ trỏ hoặc giận giữ khóc, thét lên vì bố mẹ không thể giao tiếp với con. Qua việc học ngôn ngữ ký hiệu, Lâm dần dần có thể nhận thức được những kiến thức trong cuộc sống, giải tỏa được những nhu cầu của bản thân”.
Cô Bồ Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm, cho biết: “Để trẻ khiếm thính hòa nhập cộng đồng, trẻ phải có vốn ngôn ngữ nhất định. Tuy nhiên, điều quan trọng trẻ phải được phát hiện bệnh sớm để can thiệp kịp thời. Vì vậy, các phụ huynh nên cho con đến những trung tâm, môi trường giáo dục chuyên biệt. Bởi tại đây, giáo viên sẽ có những phương pháp giáo dục phù hợp đối với từng mức độ bệnh của trẻ cũng như giúp cha mẹ có những phương pháp giáo dục. Khi được can thiệp sớm, trẻ sẽ có được kết quả tốt nhất”.
Chung tay giúp đỡ trẻ
Cô Bồ Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm cho biết thêm: “Giống như những dạng khuyết tật khác ở trẻ em, trẻ bị khiếm thính rất nhạy cảm, tiếp xúc với các cháu cần phải có sự kiên nhẫn và yêu thương. Với đối tượng này, không những chỉ giúp các cháu học ngôn ngữ, chúng tôi còn phải chú trọng tất cả các mặt phát triển khác của trẻ về thể chất, tinh thần, trí tuệ và kỹ năng giao tiếp xã hội. Nếu thực hành từng bước một, tùy theo khả năng của mỗi trẻ, các cháu có thể hòa nhập xã hội một cách tốt hơn”.
Hiện nay, Bình Dương đang tích cực thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật tỉnh, trong đó có hoạt động trợ giúp người câm điếc. Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật, như: Đào tạo nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, định hướng nghề, tạo điều kiện cho người khuyết tật phát huy khả năng, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức lớp dạy nghề. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ kinh phí hoặc cho vay tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để họ mua sắm thiết bị, dụng cụ hành nghề sau khi học nghề. Ngoài ra, người khuyết tật cũng được ưu tiên tư vấn học nghề và việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe và khả năng lao động”.
KIM HÀ