Giúp nhau vươn lên làm giàu

Thứ ba, ngày 28/06/2011

Tận dụng những lợi thế cơ bản của vùng đất thuần nông cùng với lòng say mê lao động, không ngại khó khăn, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Cá nước ngọt (CNN) huyện Phú Giáo đã xây dựng nên các mô hình nuôi CNN có hiệu quả kinh tế cao.

Chia sẻ kinh nghiệm làm giàu

Huyện Phú Giáo có những điều kiện rất thuận lợi cho việc nuôi CNN, trong đó yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước tự nhiên chưa bị ô nhiễm và nhiều diện tích đất bưng triền. Giữa năm 2005, những người yêu thích nuôi CNN nhận thấy hiệu quả của mô hình này đã cùng nhau tập hợp lại và thành lập nên CLB CNN. Mục đích lớn nhất của CLB là cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật, con giống, vốn.

Hiện CLB đã có 19 thành viên, trong đó có những thành viên đến từ các tỉnh bạn. Thành viên có diện tích mặt nước lớn nhất trên 4 ha và nhỏ nhất cũng 5.000m2. Từ việc chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, đến nay nhiều thành viên đã xây dựng được các mô hình với quy mô lớn, số tiền đầu tư trong mỗi lứa cá (khoảng 4 tháng) lên đến hơn 1 tỷ đồng và nếu được giá cũng thu về hàng trăm triệu đồng mỗi lứa. Ngoài ra, một số thành viên khác còn kết hợp nuôi cá với nuôi một số loại lưỡng cư khác như: ba ba, cá sấu... mỗi năm cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện các thành viên trong CLB có sự liên kết với nhau khá chặt chẽ trong việc mua thức ăn và bán cá với việc tập trung mua và bán với một số đầu mối nhất định để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh. Thông tin về giá cả thị trường cũng được các thành viên trong CLB chia sẻ với nhau nhanh chóng nhằm giúp nhau bán cá đúng giá. Trong thời gian thu hoạch, các thành viên cũng có sự phân chia thời gian thu hoạch hợp lý nhằm chia sẻ với nhau tiền công đánh bắt cũng như bảo đảm cho các thành viên bán cá cùng một giá.

Trong năm 2010, CLB đã thu hoạch được trên 200 tấn cá và nhiều thành viên đã có được thu nhập cao. Loại cá chủ lực được nuôi trong thời gian qua là cá rô đầu vuông. Bên cạnh đó là một số loại cá có giá trị kinh tế khác như: rô phi, trôi, trắm, mè vinh, chim trắng, điêu hồng... Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, thời gian tới, các thành viên CLB nuôi thêm một số loại cá có giá trị kinh tế cao khác như: bống tượng, cá chình, thát lát cườm... Ông Chu Văn Được - thành viên CLB ngụ tại ấp 30-4, xã An Linh cho biết: “Điều hài lòng nhất khi tham gia CLB chính là được liên kết với nhau trong sản xuất. Bên cạnh đó còn được chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cùng làm giàu. Các thành viên trong CLB rất thường xuyên liên lạc với nhau để chia sẻ thông tin”. Ông La Văn Bình - Chủ nhiệm CLB cho biết: “Mô hình CLB CNN trên địa bàn huyện Phú Giáo là một mô hình mới và cho đến nay có thể nói là một mô hình hiệu quả trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong thời gian tới, khả năng mở rộng diện tích mặt nước chăn nuôi của các thành viên còn rất nhiều và nếu gặp điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục mở rộng số thành viên ra các địa phương khác”.

Cùng nhau vượt qua khó khăn

Hầu hết các thành viên trong CLB lúc đầu khi mới bắt tay vào việc xây dựng các mô hình CNN đều gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tìm ra nguồn vốn cũng như xây dựng các mô hình cho phù hợp với các địa hình, trong đó có cả các vùng đất bưng phèn. Nhiều thành viên trong CLB là cựu chiến binh, không ngại khó, ngại khổ và rất nhanh nhạy trong sản xuất. Có thành viên đã tham gia nuôi CNN được gần 10 năm. Trải qua nhiều khó khăn thách thức nhưng các thành viên này luôn tìm cách duy trì mô hình vì họ nhận ra giá trị của các loại CNN trước nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Trong khi thực hiện bài viết này, chúng tôi có dịp được tham gia trao đổi với các thành viên trong CLB về khó khăn của con cá rô đầu vuông. Trong việc nuôi con cá rô đầu vuông nhiều thành viên đã nuôi được nhiều lứa và đã cho thu nhập cao. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, giá cá rô đầu vuông bất ngờ giảm mạnh đã gây thiệt hại lớn cho nhiều người chăn nuôi, trong đó nhiều thành viên trong CLB cũng gặp tình trạng tương tự. Với những người nuôi quy mô nhỏ như hiện nay đã “treo” ao để chờ có giá mới thả. Trước tình hình khó khăn đó, Ban chủ nhiệm CLB cũng như các thành viên đã chủ động ngồi lại với nhau cùng bàn cách tháo gỡ khó khăn. Đây là hoạt động thường xuyên của CLB, trong đó có nhiều trường hợp vượt đoạn đường hàng chục km đến trực tiếp các ao nuôi gặp khó khăn để trao đổi trực tiếp nhằm tìm ra cách khắc phục hiệu quả nhất. Trong tình huống con cá rô đầu vuông mất giá hiện nay, các thành viên đã cùng bàn luận và chia sẻ cách thức vượt qua khó khăn trước mắt là sẽ giảm số lượng con cá rô đầu vuông, bên cạnh đó là nuôi thêm một số loại cá khác...

Trong thời gian qua, mặc dù nhiều thành viên muốn tiến lên thành lập hợp tác xã nhưng không thể thực hiện được do CLB gặp phải một số khó khăn nhất định. Nỗi lo lắng lớn nhất của các thành viên trong CLB trong thời gian vừa qua là giá cả không ổn định. Ông La Văn Bình cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi mong muốn có một đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định để các thành viên an tâm sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng bài bản hơn nữa để nâng cao hiệu quả sản xuất vì hiện nay các thành viên trong CLB tùy theo hoàn cảnh mà có các cách tiếp cận thông tin khác nhau, vì vậy cách thức chăn nuôi cũng khá đa dạng”.

Các thành viên trong CLB khẳng định rằng việc nuôi CNN là một mô hình mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Nếu được nhận các hỗ trợ cần thiết hơn nữa về vốn, khoa học kỹ thuật thì các thành viên trong CLB sẽ sản xuất hiệu quả hơn và qua đó cũng thu hút nhiều người tham gia vào CLB.

CAO SƠN