Giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng, kéo giảm tội phạm ma túy
(BDO) Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, hiện nay độ tuổi của người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa. Đáng lo ngại là xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng phổ biến và gây ảo giác, làm mất khả năng kiểm soát hành vi, gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Vì vậy việc tăng “sức đề kháng” cho giới trẻ trước vấn nạn ma túy là vấn đề cấp bách hiện nay.
Lực lượng chức năng khám xét nơi đối tượng cất giấu ma túy để bán cho con nghiện. Ảnh: THANH QUANG
Giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng
Tính đến tháng 9-2021, toàn tỉnh quản lý 3.559 người nghiện ma túy (tăng 478 đối tượng, tương đương 15,51% so với cùng kỳ). Người nghiện ở độ tuổi không quá 30 chiếm hơn 82,40%.
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), qua công tác nắm tình hình tại các địa phương, số người đã qua cai nghiện có hộ khẩu thường trú tại Bình Dương trong năm 2021 là 179 người. Sở đã chỉ đạo Phòng LĐTB& XH các huyện, thị phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương nơi cư trú tiếp cận nhằm tìm hiểu, hỗ trợ, giúp đỡ, giới thiệu để họ có việc làm ổn định, không quay lại con đường cũ nhằm phòng, chống tái nghiện. Song song đó, công tác dạy nghề, tạo việc làm trong cơ sở cai nghiện cũng được chú trọng nhằm giúp học viên có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống khi tái hòa nhập cộng đồng. Trong năm, cơ sở cai nghiện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho 47 học viên các ngành nghề cắt tóc, lái xe nâng.
Trong thời gian Bình Dương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, cơ sở đã tạm thời ngưng tiếp nhận người cai nghiện từ các địa phương. Tuy nhiên, khi tình hình có chuyển biến tích cực, nhằm thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời để ổn định tình hình về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, sở đã chỉ đạo cơ sở cai nghiện ma túy tiếp nhận lại các đối tượng nghiện ma túy kể từ ngày 1-11-2021.
Trong khoảng thời gian từ 15-12-2020 đến 10-12-2021, cơ sở cai nghiện ma túy đã tiếp nhận 205 học viên từ các huyện, thị xã, thành phố chuyển giao. Để tránh tình trạng kích động, bạo động, gây rối, trốn trại tập thể, cơ sở cai nghiện tăng cường công tác bảo vệ, quản lý học viên, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại các đối tượng phùhợp để quản lý có hiệu quả. Trong đó, cơ sở cai nghiện chútrọng phân theo nhóm, loại ma túy sử dụng, hồsơ bệnh án, quátrình chấp hành pháp luật (tiền án, tiền sự)… để phân khu phùhợp nhằm bảo đảm hiệu quả quản lý, sinh hoạt học tập và cai nghiện cho các đối tượng, học viên; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho học viên tại cơ sở để tạo sân chơi lành mạnh cho các học viên.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Để nâng cao tinh thần cảnh giác của thanh thiếu niên trước tội phạm ma túy và giúp người nghiện phấn đấu cai, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, Sở LĐTB&XH chỉ đạo bộ phận phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương tổ chức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường với hình thức online cho trên 120 em học sinh, sinh viên của trường; cấp phát 90 cuốn tập san tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội cho các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở cai nghiện ma túy; phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, Công an huyện Phú Giáo tổ chức tuyên truyền các chính sách, chế độ đối với học viên chuyển qua cơ chế quản lý tạm thời tại cơ sở xã hội; vận động các học viên cai nghiện ma túy chấp hành theo quy định trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với gần 400 học viên tham dự.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao kiến thức về phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS cho học viên cai nghiện ma túy, sở đã chỉ đạo cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy, tác hại hậu quả của nghiện ma túy, các quy định và hướng dẫn về công tác phòng, chống các bệnh xã hội, HIV/AIDS… Kết quả, cơ sở cai nghiện đã tổ chức được 4 buổi tập huấn tuyên truyền với với hơn 1.200 lượt học viên tham gia.
Song song với việc quan tâm đến các học viên ở cơ sở cai nghiện, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cũng được Sở LĐTB&XH quan tâm. Theo đánh giá, vì công tác này mới chỉ dừng lại ở hoạt động phối hợp với thân nhân, gia đình người nghiện để tư vấn, hướng dẫn tự cai nghiện tại gia đình, các hoạt động khác theo quy định hầu như chưa thực hiện được, nhất là việc thành lập các cơ sở cắt cơn nghiện ma túy ban đầu ở các địa phương chưa được hình thành. Nhằm tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức công tác cai nghiện được thuận lợi, Sở LĐTB&XH đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức đóng góp, chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; mức đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Song song đó, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện thành lập mạng lưới Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn. Đến nay, các địa phương đã thành lập được 84 đội với 595 thành viên. Số đội được thành lập mới trong năm 2021 là 10, với 148 thành viên. Mô hình này có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
“Theo đánh giá của công an địa phương, số người nghiện thất nghiệp, không có việc làm ổn định cũng là đối tượng có nguy cơ cao thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể là trong 9 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 34 người nghiện phạm pháp hình sự, tăng 26 đối tượng (hơn 242%) so với cùng kỳ”. (Thiếu tá Trịnh Quốc Long Khánh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy Công an huyện Dầu Tiếng) |
L.T.PHƯƠNG