Giúp người lao động vượt “bão giá”
(BDO) Trước sự tác động và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và giá cả tăng cao, các công đoàn cơ sở (CĐCS) ở các doanh nghiệp (DN) đã chủ động kiến nghị, đề xuất chủ DN tăng lương cơ bản để tăng thu nhập, các chế độ đãi ngộ phúc lợi... để chia sẻ cùng đồng hành với người lao động (NLĐ) vượt qua khó khăn.
Được chăm lo đời sống tốt, công nhân Công ty TNHH Maruei Việt Nam an tâm làm việc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp
Chia sẻ khó khăn với NLĐ
Tại Công ty TNHH Maruei Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (KCN VSIP) I, chuyên sản xuất chi tiết máy trong xe ô tô, với hơn 1.000 công nhân lao động làm việc, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, giá cả tăng cao đến đời sống của NLĐ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Ban Giám đốc công ty vẫn quyết định điều chỉnh tăng lương cơ bản cho NLĐ.
Anh Nguyễn Đức Duy, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Maruei Việt Nam, cho biết 2 năm qua mặc dù lương tối thiểu vùng của Nhà nước không tăng, tuy nhiên trước những khó khăn về đời sống của NLĐ, CĐCS công ty đã chủ động đề xuất kiến nghị với Ban Giám đốc xem xét tăng lương cơ bản và các chế độ đãi ngộ khác để hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn, an tâm làm việc gắn bó lâu dài với công ty. Trong năm 2021 và đầu năm 2022, Ban Giám đốc công ty đã điều chỉnh tăng lương 5 - 10% cho tất cả NLĐ so với mức lương cơ bản. Đặc biệt, đầu năm 2022, Ban Giám đốc công ty còn thưởng 3 tháng lương cho NLĐ.
“Dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và giá cả tăng cao nhưng DN vẫn quyết định tăng lương, tăng chế độ đãi ngộ cho NLĐ, như hỗ trợ tiền thâm niên 3 năm trở lên, tăng tiền hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ nuôi con nhỏ... Đây là sự chia sẻ từ phía Ban Giám đốc nhằm giúp NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá cả tăng cao”, anh Duy chia sẻ. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của NLĐ làm việc tại Công ty TNHH Maruei Việt Nam đạt từ 11 - 14 triệu đồng/ tháng, tùy tay nghề.
Tương tự, CĐCS Công ty TNHH Pungkook Sài Gòn 2 cũng kiến nghị Ban Giám đốc công ty điều chỉnh tăng lương cơ bản thêm 300.000 đồng cho toàn thể NLĐ đã ký hợp đồng lao động, áp dụng từ ngày 1-2- 2022. CĐCS Công ty TNHH Quốc tế Chutex (KCN Sóng Thần 2) cũng đã đề xuất kiến nghị Ban Giám đốc công ty điều chỉnh tăng lương cơ bản cho NLĐ, với mức điều chỉnh tăng 300.000 đồng/người/ tháng, thời gian áp dụng từ ngày 1-2-2022. Công ty TNHH Hansoll Vina (KCN Sóng Thần 1) cũng quyết định điều chỉnh tăng lương cơ bản thêm 300.000 đồng cho NLĐ, thời gian áp dụng từ ngày 1-2-2022. Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (VSIP I), ngoài việc chi trả mức lương tổi thiểu vùng theo quy định của Nhà nước, còn tăng thêm lương cơ bản cho NLĐ với mức 250.000 đồng, điều chỉnh mức tăng thêm thưởng sản xuất, tăng các khoản trợ cấp để hỗ trợ NLĐ ổn định cuộc sống trước tác động của dịch bệnh và giá cả tăng cao...
Giúp NLĐ ổn định cuộc sống
Ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TX.Tân Uyên, cho biết trước tác động ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, giá cả tăng cao khiến đời sống của đại bộ phận NLĐ gặp nhiều khó khăn. LĐLĐ TX.Tân Uyên đã chỉ đạo các CĐCS tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ để đề xuất kiến nghị chủ DN xem xét giải quyết kịp thời, giúp NLĐ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với DN, góp phần ổn định mối quan hệ lao động tại DN. Đồng thời, các CĐCS tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên tuyên, vận động NLĐ ổn định việc làm, không nhảy việc ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài của bản thân.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết LĐLĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chăm lo đời sống cho NLĐ; rà soát các bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo và tử vong do Covid-19 để tiếp tục hỗ trợ; cùng với NLĐ, DN và chính quyền địa phương hoàn tất hồ sơ để NLĐ được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Mặt khác, LĐLĐ tỉnh sẽ kiến nghị lãnh đạo các cấp nhiều nội dung. Trong đó, LĐLĐ tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, UBND các huyện, thị, thành phố và các ngành liên quan vận động chủ nhà trọ không tăng giá phòng cho thuê; chỉ đạo Sở Công thương có giải pháp bình ổn thị trường nhằm chia sẻ khó khăn với NLĐ. LĐLĐ tỉnh kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với Hội đồng Tiền lương quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam quan tâm điều chỉnh tiền lương cho NLĐ. LĐLĐ tỉnh cũng sẽ kiến nghị Quốc hội sớm đưa nội dung giá cả tăng cao vào nội dung nghị sự bàn bạc, thảo luận gỡ rối cho người dân và công nhân lao động trong kỳ họp tới. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội hóa chăm lo cho đoàn viên công đoàn, NLĐ; tiếp tục khẩn trương làm việc với các đơn vị, DN phúc lợi bán hàng giá gốc cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động trên địa bàn tỉnh...
ĐỖ TRỌNG