Giúp người lầm lỗi quay về nẻo thiện
(BDO) Với trách nhiệm và vai trò của mình, Trại giam An Phước (huyện Phú Giáo) cùng các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cảm hóa người phạm tội để trở thành người có ích cho xã hội.
Giúp phạm nhân cải tạo tốt
Thời gian qua, Trại giam An Phước (gọi tắt là trại giam) đã tiếp nhận hàng ngàn phạm nhân gồm nhiều tội danh khác nhau, có mức án từ 6 tháng đến tù chung thân. Một số phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự và trước khi phạm tội đã bị bệnh hiểm nghèo hoặc có những di chứng tổn thương do sử dụng chất kích thích. Trước tình hình trên, trại giam cùng với các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, cải tạo để trả lại cho gia đình và xã hội những con người có sự tiến bộ và sống lương thiện.
Thân nhân và phạm nhân gặp nhau trong hội nghị Gia đình phạm nhân lần thứ IX do Trại giam An Phước tổ chức. Thông qua hội nghị sẽ giúp phạm nhân có thêm tinh thần phấn đấu cải tạo để sớm trở về với gia đình
Cụ thể, trong công tác giáo dục về chính trị, pháp luật, trại giam đã phối hợp với các quan chức năng tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được 185.753 lượt, qua đó giúp phạm nhân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, rèn luyện nếp sống kỷ luật… Trại giam còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, tạo ra nhiều sân chơi bổ ích để phạm nhân tham gia; đồng thời phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Giáo tổ chức dạy văn hóa. Qua đó, hầu hết các phạm nhân có chuyển biến tích cực, biết đọc, viết và có điều kiện tiếp cận với các kênh thông tin, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Trại giam còn tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho hơn 1.000 lượt phạm nhân với nhiều ngành nghề khác nhau, phù hợp với từng phạm nhân. Trong quá trình lao động học nghề, nhiều phạm nhân đã thể hiện được tính sáng tạo, đề xuất những giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Ngoài ra, trại giam đã củng cố hệ thống bệnh xá ở các phân trại, xây dựng khu điều trị riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước với 20 giường để điều trị cho phạm nhân bị bệnh nặng vượt quá khả năng chữa trị của bệnh xá. Hàng năm, trại giam còn phối hợp với cơ quan chức năng phun thuốc phòng ngừa dịch bệnh và tổ chức khám, điều trị tại chỗ cho hơn 280.000 lượt phạm nhân, tổ chức xét nghiệm HIV cho gần 2.000 phạm nhân…
Nói thêm về công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân, Thượng tá Phùng Văn Tuyến, Giám thị trại giam, cho biết: “Phạm nhân vào trại giam đều có tâm lý chán nản, bi quan, mất phương hướng, mất niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Thậm chí một số phạm nhân còn có tư tưởng “bất cần đời”, chống đối, thường xuyên vi phạm nội quy. Tuy nhiên, chúng tôi luôn quan niệm phạm nhân của trại chỉ vì bồng bột, thiếu suy nghĩ mà phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Do vậy, trong công tác cảm hóa, giáo dục, chúng tôi luôn đối xử với các phạm nhân bằng lòng nhân ái, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ xóa bỏ mặc cảm, yên tâm tư tưởng, từ đó phấn đấu học tập để sớm hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước”.
Trưởng thành từ trong trại giam
Gặp lại con Nguyễn Minh D. trong trại giam tại hội nghị Gia đình phạm nhân lần thứ IX, bà Trần Thị Ánh Nguyệt rất xúc động vì thấy con đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, D. là một đứa con “bất trị”, theo bạn bè ăn chơi lêu lổng rồi vướng vào vòng lao lý. Từ khi chấp hành án phạt tù, D. đã nhận thấy những lỗi lầm của mình gây ra, biết quan tâm đến gia đình và phấn đấu cải tạo tốt. “Qua đây, gia đình tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Ban Giám thị trại giam đã giúp con tôi nhận thức rõ tội lỗi của bản thân đã gây ra, phấn đấu học tập, cải tạo tốt để được sớm trở về với gia đình và xã hội. Tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với trại giam động viên an ủi con tôi cố gắng học tập, lao động cải tạo, nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy của trại giam trong thời gian chấp hành án còn lại để sớm được hưởng các chính sách khoan hồng”, bà Tuyết cam kết.
Khác với bà Tuyết, anh Võ Chí Công, chủ cơ sở kinh doanh ở TP.Thủ Dầu Một đến trại giam không phải để thăm thân nhân mà đến cảm ơn lãnh đạo, giám thị trại giam. Cách đây 20 năm, anh Công bị tòa tuyên phạt 11 năm tù và chấp hành án tại Trại giam An Phước. Trong thời gian chấp hành án phạt tù, được sự quan tâm, giáo dục của Ban Giám thị và sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, anh Công được trại giam nhiều lần khen thưởng và đề nghị giảm thời hạn phạt tù. Đặc biệt trong khoảng thời gian sắp chấp hành xong án phạt tù, anh Công được trại giam cho học lớp giáo dục công dân, kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng… Sau khi chấp hành xong án phạt tù, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội nhưng được sự động viên của gia đình, chính quyền địa phương, anh Công đã vượt qua những mặc cảm, không ngừng học hỏi, phấn đấu trong công việc. Kết quả là ngày hôm nay anh đã có công việc và cuộc sống ổn định, thành công trong kinh doanh.
“Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có lời nhắn nhủ đến các anh em phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hãy xác định rõ tư tưởng, cố gắng phấn đấu trong lao động, học tập; chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy của trại giam… để được đánh giá xếp loại cải tạo tốt, được đề nghị giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn. Tôi cũng mong rằng các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội hãy tạo điều kiện thuận lợi để những người từng lầm lỗi sớm hòa nhập với cộng đồng, giúp đỡ họ có việc làm ổn định”, anh Công khuyên các phạm nhân có mặt tại hội nghị.
Theo báo của trại giam tại hội nghị Gia đình phạm nhân lần thứ IX năm 2019, từ tháng 7-2018 đến tháng 7-2019, trại giam đã đề nghị hội đồng cấp trên xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 2.100 phạm nhân; tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 78 phạm nhân. Nhiều phạm nhân đã tích cực phấn đấu cải tạo tốt, phối hợp cùng cán bộ trại làm tốt công tác cải tạo phạm nhân vi phạm. Tỷ lệ phạm nhân xếp loại tốt, khá cao hơn năm trước, tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy xếp loại cải tạo kém giảm chỉ còn 2,33%. Đến nay, ở trại giam không còn nạn “đầu gấu, đại bàng”, không có tình trạng phạm nhân ức hiếp lẫn nhau. |
NGUYỄN HẬU