Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng: Một hoạt động mang tính nhân văn
(BDO) Thực hiện kế hoạch phối hợp giáo dục, cải tạo phạm nhân, trại viên và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trong 5 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và Trại giam An Phước (thuộc Cục C10 - Bộ Công an, đóng trên địa bàn xã An Thái, Phú Giáo) đã có nhiều chương trình thiết thực giúp chị em cố gắng vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội…
Các đơn vị chức năng triển khai chương trình phối hợp hỗ trợ phạm nhân nữ và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng
Phối hợp tuyên truyền, giáo dục
Hiện Phân trại số 1 Trại giam An Phước là nơi quản lý, giáo dục, cải tạo trên 500 phạm nhân nữ với nhiều tội danh khác nhau. Hầu hết phạm nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp, trước khi phạm tội họ không có nghề nghiệp ổn định. Đây là những nguyên nhân khách quan tác động rất lớn đến công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Vì vậy ngay sau khi có Kế hoạch 3605/KHPH ngày 30-12- 2015 của Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổng cục VIII (nay là Cục C10), Trại giam An Phước đã tổ chức phổ biến đến cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nắm rõ mục đích, ý nghĩa của kế hoạch. Đồng thời, trại phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai ký kết chương trình phối hợp giáo dục phạm nhân nữ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, giao Hội Phụ nữ là cơ quan thường trực có trách nhiệm phối hợp với Đội Giáo dục - Hồ sơ, Đoàn cơ sở, Công đoàn cơ sở tham mưu giúp cho lãnh đạo Trại giam An Phước phối hợp tổ chức, thực hiện các nội dung chương trình.
Theo bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, trong 5 năm qua, 2 đơn vị đã tổ chức 4 buổi truyền thông cho 760 lượt phạm nhân nữ với các nội dung về kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình, tư vấn tình yêu hôn nhân... Đặc biệt trong năm 2016, các đơn vị từ Trung ương đến tỉnh đã phối hợp tổ chức sự kiện truyền thông “Ước mơ ngày trở về” cho 150 phạm nhân nữ. Qua hoạt động này đã phản ánh được những tâm tư giấu kín, mặc cảm tự ti, băn khoăn của các phạm nhân nữ và chạm được đến cảm xúc của mọi người. Qua đó đã kêu gọi được sự quan tâm, thông cảm, xóa bỏ kỳ thị của toàn xã hội, đồng thời gây dựng được lòng tin của phạm nhân nữ vào Hội Phụ nữ địa phương - tổ chức đóng vai trò quan trọng trong công tác phối hợp giáo dục phạm nhân, thuận lợi cho việc giúp đỡ phạm nhân nữ khi trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Năm 2018, Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Tìm lại chính mình” cho 390 phạm nhân. Tại buổi giao lưu, cán bộ hội đã tặng 32 phần quà cho những phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại. Ngoài ra, Phân trại số 1, Trại giam An Phước đã kết hợp với Hội LHPN huyện Phú Giáo tổ chức hướng dẫn, dàn dựng vở kịch “Tình cha” cho phạm nhân nữ tham gia hội thi sân khấu hóa do Thư viện tỉnh tổ chức tại Trại giam An Phước. Kết quả tác phẩm dự thi đã đạt giải nhì toàn đoàn.
Trở lại cuộc sống với sự tự tin hơn
Nhiều phạm nhân cho biết họ sẽ tự tin hơn để tái hòa nhập cộng đồng khi được dạy nghề, giới thiệu việc làm, bởi khi đã có thu nhập ổn định, họ sẽ không quay lại con đường cũ, sai lầm cũ. Về kết quả dạy nghề, 2 đơn vị đã phối hợp với trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tỉnh Bình Phước tổ chức 4 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 215 phạm nhân học các ngành nghề như khai thác mủ cao su, may công nghiệp, may túi xách; khảo sát, tư vấn kỹ năng tìm kiếm việc làm và kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng cho 170 phạm nhân có mức án còn lại từ 5 năm trở xuống. Qua khảo sát có 55 phạm nhân có nhu cầu học nghề (chủ yếu nghề may, nấu ăn, bán hàng). Hội LHPN tỉnh cũng đã vận động chính quyền địa phương giúp đỡ 128 phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trở về ổn định cuộc sống; vận động người dân không phân biệt, kỳ thị với quá khứ của họ, tạo điều kiện để chị em phạm nhân sau khi trở về được học nghề, vay vốn, lập nghiệp, có việc làm ổn định, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Nhờ những hoạt động thiết thực nên có những người như chị Phạm Thị Tr. (ngụ xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo) sau khi chấp hành xong án phạt tù đã được hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng, từ đó chị quyết tâm làm lại cuộc đời và được tuyên dương tại hội nghị “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” được tổ chức tại Trại giam An Phước. Đó cũng là động lực, mục tiêu để các phạm nhân đang chấp hành án phấn đấu đạt được sau khi chấp hành xong án phạt tù. Các hoạt động thiết thực này đã góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của người chấp hành án phạt tù sau khi trở về địa phương, qua đó xuất hiện nhiều gương tiêu biểu quyết tâm làm lại cuộc đời, không những phát triển kinh tế ổn định mà còn tích cực đóng góp trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Qua các đợt sơ kết, tổng kết phong trào thi đua đã có 222 lượt cá nhân, 15 lượt tập thể phạm nhân được Ban giám thị trại giam An Phước biểu dương, khen thưởng.
Theo Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, trong nhiệm kỳ qua, hội đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu phối hợp với ngành liên quan hỗ trợ và giúp đỡ vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống cho 80 người sau cai nghiện ma túy hoặc người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Trong khi đó, thực tế các cấp hội đã hỗ trợ 534 chị, vượt chỉ tiêu đề ra. Nhiều nhất là trong năm 2017 hội đã giúp đỡ 143 người hoàn lương, nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. |
QUỲNH NHƯ