Giúp hội viên vươn lên từ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”
(BDO) Chị Nguyễn Thị Thúy sinh năm 1991, lập gia đình vào năm 2014 và sinh sống tại ấp Suối Cạn xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng. Cả 2 vợ chồng chị đều là công chức Nhà nước. Cuối năm 2015, chị sinh con đầu lòng, thu nhập kinh tế tất cả chi phí cuộc sống của gia đình chị hoàn toàn phụ thuộc vào phụ cấp của 2 vợ chồng.
Chị Trần Thị Thúy bên trại gà của gia đình
Đến năm 2019, chị sinh cháu thứ 2, chồng chị nghỉ công tác nhưng lại không có nghề nghiệp ổn định, kinh tế lại càng khó khăn hơn. Chị Thúy đã suy nghĩ làm thế nào để vượt qua được khó khăn, kinh tế ổn định mới có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho các con. Vừa lo công việc cơ quan vừa chăm sóc con cái, chăm lo cho gia đình khiến chị lúc nào cũng bận rộn. Thế nhưng, chị Thúy là người phụ nữ thông minh, khéo tay, lại chịu thương, chịu khó. Có khi chị vừa đi làm vừa tranh thủ bán hàng online. Chị làm thêm những chiếc nơ cột tóc xinh xắn, đổ bánh flan… rao bán hàng trên mạng để kiếm thêm thu nhập mua sữa cho con, lo cho các con học hành.
Chị Thúy chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng làm việc để có nhiều nguồn thu nhập nhưng việc làm nhỏ lẻ nên thu nhập vẫn không cao. Thế là tôi quyết tâm tìm hướng làm ăn lâu dài để ổn định kinh tế. Có lần tham gia sinh hoạt phụ nữ, được nghe phổ biến về Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” được triển khai đến Hội LHPN xã, tạo điều kiện khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển kinh tế gia đình tôi vui lắm bởi đã tìm được hướng đi cho mình từ việc phát triển kinh tế gia đình”. Nghĩ là làm, cuối năm 2019, chị Thúy bàn bạc cùng chồng tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường tại địa phương cũng như các địa phương lân cận, tìm mối quan hệ để tạo được đầu ra khi thực hiện dự án của mình. Vợ chồng chị quyết định thực hiện dự án “Xây dựng trang trại chăn nuôi gà ta”.
Ban đầu, chị được Hội LHPN xã Cây Trường II hỗ trợ số vốn khởi nghiệp 7 triệu đồng. Từ số vốn này cộng thêm vốn được Hội đề xuất cho vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội, vay mượn thêm của anh em, bạn bè, vợ chồng chị đầu tư và khởi công xây dựng trang trại quy mô (vừa kín, vừa mở). Theo chị Thúy giải thích là xây dựng trại để gà ngủ ban đêm, xây dựng khu bên ngoài để ban ngày gà tự kiếm ăn và sống như gà nuôi tại gia đình để gà ít bị bệnh khi thời tiết thay đổi, thịt gà cũng săn chắc hơn, cung cấp sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng. Sản phẩm được ưa chuộng, có đầu ra thì việc chăn nuôi, cung cấp sản phẩm ra thị trường cũng thuận lợi hơn.
Chị Thúy chân tình cho biết: “Ban đầu mới xây dựng trang trại, vất vả nhiều lắm nhưng phải làm bài bản mới có thể phát triển bền vững và phù hợp môi trường tại địa phương. Tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 250 triệu đồng. Mỗi lứa gà tôi thả từ 1.500 - 2.000 con, thời gian nuôi từ 3 tháng đến 3 tháng rưỡi, gà đạt từ 2 kg đến 2.5 kg/con, với giá thành giao động từ 75.000 đồng/kg. Đến nay, trang trại đã xuất được hơn 12 lứa gà, trừ chi phí đem về thu nhập khoảng 25 triệu - 30 triệu đồng/lứa”. Vợ chồng chị Thúy còn mở rộng qua việc cung cấp giống gà con và đã cung cấp 28.000 con gà con cho bà con trên địa bàn huyện Bàu Bàng. Đến nay doanh thu và lợi nhuận từ trang trại gà của gia đình chị Thúy ngày càng phát triển ổn định. Anh chị đã trả hết số vốn ban đầu vay để xây dựng trang trại. Kinh tế gia đình chị ngày càng khá hơn.
Theo người dân ở ấp Suối Cạn, chị Thúy là người phụ nữ có lòng nhân hậu, biết quan tâm chia sẻ với những người còn khó khăn. Đặc biệt với chị em mong muốn vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình qua Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, chị đều giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm của mình rất tận tình. Chị cũng thường xuyên đóng góp kinh phí để tặng quà, giúp đỡ các chị còn khó khăn có động lực cùng vươn lên trong cuộc sống.
Quỳnh Như