Giúp chị em phụ nữ vươn lên
(BDO) 2 năm trở lại đây, kinh tế người dân nhìn chung bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng, hơn 3.000 hội viên các mô hình, Câu lạc bộ (CLB) Phát triển kinh tế thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Dầu Tiếng lại có cuộc sống ổn định, có không ít hội viên vươn lên làm giàu.
Mô hình dưa lưới của Hội LHPN xã An Lập giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế, tạo dựng cuộc sống
Tìm nguồn vốn cho phụ nữ nghèo
Chia sẻ với chúng tôi về cách làm của hội nhằm hỗ trợ tích cực cho chị em, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Dầu Tiếng cho biết, để phát triển kinh tế theo dạng mô hình, CLB, cái khó của các chị em lúc khởi nghiệp là nguồn vốn. Tổ nhóm phụ nữ giúp nhau không tính lãi đã phát huy được việc này, giúp không ít chị em nghèo có được nguồn vốn ban đầu.
Khởi nguồn từ các chị em phụ nữ thân thiết hỗ trợ vốn cho nhau không tính lãi trong việc phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN huyện đã vận động và triển khai nhân rộng mô hình trong toàn huyện. Đến nay, 12/12 xã, thị trấn của huyện đã thực hiện tốt mô hình này. Đã có trên 15.310 lượt tập thể, cá nhân giúp 16.690 lượt hội viên phụ nữ khó khăn mượn tiền mặt, mua thiếu cây, con giống, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, ngày công... với tổng trị giá trên 80 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hội viên còn phát động tổ xoay vòng vốn, tương trợ nhau bằng hình thức xoay vòng vốn có tính lãi. Nguồn vốn này được vận động từ những chị em nhận vốn đóng góp lại để giúp đỡ những chị em khó khăn trong tổ mua bán nhỏ, sinh hoạt hàng ngày.
Bà Vân cho biết thêm, bên cạnh đó, Hội LHPN huyện tiếp tục duy trì các mô hình tiết kiệm tại các cơ sở hội có các loại hình phù hợp với địa phương như mô hình tiết kiệm 5.000 đồng, xây dựng quỹ xoay vòng vốn, mô hình nuôi heo đất... đã vận động được 6.211 chị tham gia các loại hình tiết kiệm với tổng số tiền hơn 750 triệu đồng; qua đó xét cho 251 chị có hoàn cảnh khó khăn vay mua bán nhỏ, chăn nuôi, trồng trọt nhằm cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương.
Từ nguồn vốn hỗ trợ hay nguồn vốn vay tính lãi thấp ở các CLB, hội nhóm, không ít chị em đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Điển hình như chị Nguyễn Thị Hồng Tươi ở Hợp tác xã Trồng dưa lưới xã An Lập. Ngày trước, chị Tươi làm nghề cạo mủ cao su, lương mỗi tháng chỉ vài triệu đồng, cuộc sống bấp bênh. Sau đó, chị đến làm công cho một trại trồng dưa lưới trên địa bàn. Vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, cách đây 2 năm, chi mạnh dạn vay của Hợp tác xã dưa lưới An Lập và người thân 400 triệu đồng để thành lập trang trại dưa cho riêng mình với tổng diện tích 1.500m2. “Trồng dưa lưới phải trồng trong nhà kín và áp dụng kỹ thuật cao nên phải đầu tư vốn lớn. Nhờ các nguồn vốn trợ giúp này tôi mới thành công như ngày hôm nay”, chị Tươi tâm sự.
Trên diện tích đất ấy, mỗi năm chị Tươi canh tác được 4 vụ. Sau khi trừ hết chi phí, chị thu về khoảng 800 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương với tiền lương khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Phát triển mạnh mô hình, CLB
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 218 CLB, mô hình phát triển kinh tế trực thuộc Hội LHPN huyện với 3.202 thành viên. Do được xây dựng đúng hướng, quản lý chặt, rất nhiều CLB, mô hình phát triển ngày càng lớn mạnh, giúp được nhiều phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong đó, phải kể đến mô hình CLB giúp nhau phát triển kinh tế gia đình ở xã Minh Tân, Định Hiệp; mô hình trồng nấm ở xã Long Tân tạo việc làm ổn định cho 50 phụ nữ, hàng năm còn mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho 215 phụ nữ tham gia; HTX trồng dưa lưới ở xã An Lập đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ phát triển kinh tế…
Chị Nguyễn Thị Mến, người sáng lập mô hình “Gánh ve chai nghĩa tình” tại xã Định Thành cho biết: “Nhằm hưởng ứng cuộc vận động “5 không 3 sạch”, các chi hội đã vận động hội viên phân loại rác thải và ủng hộ cho chi hội những phế liệu bán được. Chi hội dùng số tiền bán phế liệu để ủng hộ học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn”. Đến nay, mô hình này được triển khai và hoạt động hiệu quả tại các chi hội, nhất là tại cơ quan Hội LHPN xã với 35 hội viên phụ nữ tham gia. Sau 2 năm triển khai, các chi hội tiết kiệm được nguồn quỹ trên 36 triệu đồng và đã tặng 180 suất học bổng cho học sinh nghèo, vượt khó; tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết thêm, sinh hoạt của các mô hình, CLB của huyện kết hợp với sinh hoạt chi bộ, tổ hội. Tại đây, các thành viên trong mô hình trao đổi các nội dung, kiến thức về tổ chức hội và các kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình. Các buổi sinh hoạt định kỳ thu hút khoảng 80% hội viên tham gia. Nguồn kinh phí hoạt động do hội viên đóng góp không chỉ tạo nguồn vốn cho chị em nghèo phát triển kinh tế mà còn trích ra để chăm lo cho phụ nữ nghèo, trẻ em nghèo, ủng hộ bão lũ, ủng hộ công nhân nghèo.
QUANG TÁM