Giữ vững vùng an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi
(BDO) Trong những năm qua, huyện Phú Giáo luôn chú trọng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhằm tạo sự an tâm cho người nông dân chăn nuôi trên địa bàn. Mới đây, cùng với huyện Bàu Bàng, Phú Giáo đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là huyện an toàn dịch bệnh trên đàn gia súc. Kết quả này không những ghi nhận sự nỗ lực của Phú Giáo trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi, mà còn mở ra cơ hội phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới.
Thực hiện nghiêm các quy định
Ông Trần Minh Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo cho biết, tính đến cuối năm 2017, tổng đàn chăn nuôi của huyện đạt hơn 2,27 triệu con. Thực hiện Kế hoạch số 1174/KH-UBND ngày 20-4-2016 của UBND tỉnh về xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò, heo và dịch tả heo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020… đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện bố trí các nguồn lực cần thiết và tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để xây dựng, quản lý vùng an toàn dịch bệnh động vật trên cạn. Trên cơ sở đó, trạm tập trung thanh, kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện.
Mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học của gia đình anh Đặng Hữu Đức, xã Phước Sang. Ảnh: H.PHƯƠNG
Bên cạnh đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y duy trì, tăng cường hoạt động của đội kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện; thực hiện chính sách tiêm phòng miễn phí vaccine lở mồm long móng, dịch tả tai xanh, cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ theo quy định của UBND tỉnh. Trạm còn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô, ngoài tiêu chí theo Quyết định 21 của UBND tỉnh, tự tổ chức tiêm phòng vaccine bảo đảm theo yêu cầu đề ra.
Việc tiêm phòng vaccine được ngành thú y huyện thực hiện 2 đợt/năm; trong khoảng thời gian giữa các đợt tiêm phòng chính có tổ chức tiêm phòng bổ sung, với tỷ lệ tiêm phòng đàn chăn nuôi đạt từ 90% trở lên. Từ đó bảo đảm an toàn sức khỏe cho đàn vật nuôi và không để xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi của người dân...
Giữ vững vùng an toàn dịch bệnh
Anh Đặng Hữu Đức, hộ chăn nuôi heo theo hướng an toàn dịch bệnh tại xã Phước Sang chia sẻ, thông tin huyện Phú Giáo được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với đàn gia súc rất có ý nghĩa đối với những người chăn nuôi heo trên địa bàn. Bởi từ đây, người tiêu dùng cả nước biết Phú Giáo là huyện có sản phẩm gia súc an toàn dịch bệnh, người dân tự tin đầu tư vào chăn nuôi và sản phẩm đưa ra thị trường cũng có uy tín, thương hiệu.
Để duy trì vùng an toàn dịch bệnh trên động vật, ông Đức cho biết, trong thời gian tới, ngành thú y của huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện các giải pháp thiết thực. Theo đó, ngành sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân, nhất là những đối tượng liên quan trực tiếp về quyền lợi và trách nhiệm trong xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.
Bên cạnh đó, ngành chức năng của huyện sẽ quản lý chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi, xây dựng được các cơ sở cung cấp giống an toàn dịch bệnh; không nhập giống từ các vùng, các cơ sở chưa được công nhận an toàn dịch bệnh để tránh nguy cơ mầm bệnh xâm nhập; xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Trạm Chăn nuôi và Thú y sẽ tăng cường công tác quản lý chợ, điểm thu gom, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ; lập bản cam kết không mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh, chết nghi do bệnh truyền nhiễm…
HOÀI PHƯƠNG