Giữ vững thương hiệu gốm sứ Bình Dương
(BDO) Năm nay, ngành gốm sứ của Bình Dương được kỳ vọng tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao. Tuy vậy, ngành này vẫn phải nỗ lực để giữ thương hiệu và thị trường, trong bối cảnh thị trường gốm sứ hiện có nhiều biến động.
Sản xuất gốm tại Công ty Phước Dũ Long. Ảnh: XUÂN VĨ
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Toàn tỉnh hiện có gần 300 cơ sở sản xuất gốm sứ, mỗi năm cung cấp ra thị trường 130 - 150 triệu sản phẩm các loại. Bình Dương có ngành gốm sứ phát triển, thời gian qua giá trị xuất khẩu bình quân khoảng 150 triệu USD/năm, thị trường tiêu thụ nội địa 70 triệu USD/năm.
Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long, cho biết hiện nhiều doanh nghiệp gốm sứ trong tỉnh như Cường Phát, Minh Long I, Phước Dũ Long... đơn hàng có đến quý II-2019. Ngành gốm sứ Bình Dương không chỉ phát triển ổn định mà còn liên tục được kế thừa dựa trên các yếu tố về điều kiện tự nhiên, công nghệ sản xuất, nguồn lao động.
Theo ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Cường Phát, hiện ngành gốm sứ trong nước có mội lợi thế lớn chính là việc Liên minh châu Âu (EU) đang áp đặt thuế chống phá giá đối với gốm sứ của Trung Quốc, giúp cho ngành gốm sứ trong nước có điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp gốm sứ trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất đã nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, từ đó nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm gốm sứ trên thị trường.
Theo Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, hiện sản phẩm gốm sứ của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có mặt trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đáng mừng là 2 thị trường xuất khẩu lớn, khó tính là EU và Mỹ vẫn đều đặn nhập khẩu gốm sứ của Bình Dương. Điều này cho thấy uy tín gốm sứ Bình Dương đã được khẳng định.
Nỗ lực giữ thương hiệu
Đại diện Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết thời gian qua có không ít doanh nghiệp Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Tây Ban Nha... đến Bình Dương thu gom hàng gốm sứ giá rẻ. Các doanh nghiệp này thường tìm đến những cơ sở nhỏ, công nghệ lạc hậu để thu gom hàng hoặc nhập sản phẩm gốm sứ từ quốc gia khác về Bình Dương để tái xuất qua thị trường thứ ba. Đây là một hình thức gian lận thương mại, khiến các doanh nghiệp gốm sứ chân chính trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Chủ một doanh nghiệp gốm sứ ở TX.Thuận An cho hay, hầu hết doanh nghiệp gốm sứ lớn hiện nay trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi công nghệ, bên cạnh đó lương thưởng nhân công tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Trong khi đó, các cơ sở gốm sứ nhỏ vẫn dùng công nghệ cũ, sử dụng công nhân thời vụ nên chi phí “đầu vào” rất thấp, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng uy tín thương hiệu gốm sứ Bình Dương, bởi các sản phẩm giá rẻ thường không đạt chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc một số doanh nghiệp nước ngoài đến Bình Dương đầu tư để hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến ngành gốm sứ trong nước.
Trước biến động này, Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương đã phản ánh lên cơ quan chức năng của Bình Dương. Bên cạnh đó, để chủ động giữ vững thương hiệu, hiệp hội đang đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tích cực tham gia các hội chợ chuyên ngành gốm sứ trong và ngoài nước…
Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thành lập Hội đồng tư vấn, cảnh báo, ngăn chặn gian lận thương mại qua giấy chứng nhận xuất xứ gồm đại diện VCCI, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Công an. Hội đồng là kênh thông tin hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu. Bởi trong tình hình hiện nay, khi nhiều nước đang giảm mua hàng của Trung Quốc và áp thuế chống bán phá giá (trong đó có hàng gốm sứ) thì có một thực trạng các doanh nghiệp Trung Quốc bằng mọi hình thức chuyển hàng sang Việt Nam, xin giấy chứng nhận của Việt Nam để được hưởng thuế quan ưu đãi.
XUÂN VĨ