Giữ ổn định thị trường hàng hóa

Thứ năm, ngày 12/11/2020

(BDO) Thời gian qua, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song trên địa bàn nhu cầu hàng hóa của người dân được đáp ứng đầy đủ. Trên toàn tỉnh không có tình trạng tăng giá cả đột biến, thiếu hàng hóa cục bộ, gây nhiễu loạn thị trường. Trong những tháng cuối năm, để tiếp tục giữ vững thị trường, bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân, tỉnh đã chỉ đạo các sở, doanh nghiệp, địa phương gấp rút xây dựng các kế hoạch dự trữ và bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp cung ứng lớn đã vào cuộc khá sớm, đồng thời chủ động nguồn cung sẵn sàng bổ sung trong các trường hợp cần thiết. Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường trong vòng 60 - 90 ngày.

Theo kế hoạch, để công tác “an ninh” thị trường tiếp tục giữ vững, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, xử lý nghiêm việc lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ… Đặc biệt, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân là nhiệm vụ quan trọng mà quản lý thị trường tiếp tục triển khai nhằm nâng cao ý thức và giảm thiểu việc tiêu thụ hàng giả, hàng lậu. Riêng với lĩnh vực bán hàng online đang phát triển mạnh. Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo 389, đã ký ban hành kế hoạch về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Tuy nhiên, để thị trường thực sự phát triển bền vững, hàng hóa lưu thông ổn định, ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, ngoài sự nỗ lực của các lực lượng chức năng còn cần sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi mua sắm, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin về nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Về phía doanh nghiệp, bên cạnh việc thực hiện dự trữ hàng hóa, ổn định giá bán vào các dịp cao điểm như lễ, tết, cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng trong phát hiện, tố giác, xử lý vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp cũng như quyền lợi người tiêu dùng.

Song song đó, các doanh nghiệp cần có biện pháp tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm của mình, có hệ thống nhận diện thương hiệu, bao bì chất lượng cao, có tem chống hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng đường dây nóng để nhận thông tin phản hồi từ khách hàng trên thị trường, kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý tình huống, tránh để xảy ra những sự cố ảnh hưởng đến thương hiệu.

 TIỂU MY