“Giữ lửa” làng nghề truyền thống

Thứ năm, ngày 06/10/2022

(BDO)  Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp không những là niềm tự hào của bao thế hệ người làm nghề nơi đây mà còn là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Bình Dương. Ðể làng nghề nức tiếng một thời không mai một trước tác động của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, việc triển khai đề án bảo tồn kết hợp phát triển du lịch nhằm hồi sinh lại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là hết sức ý nghĩa.

 Lãnh đạo tỉnh và các sở ngành khảo sát một cơ sở tại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp

 Bản sắc đặc trưng

Theo các nghệ nhân sơn mài, làng sơn mài Tương Bình Hiệp được biết đến nhiều và tiêu biểu nhất ở Bình Dương. Ra đời vào thế kỷ XVIII, nơi đây xem là chiếc nôi nghề sơn mài ở Bình Dương. Người Bình Dương thời ấy đã sớm nhận ra lợi thế của vùng đất này, đã dần hình thành nên làng thủ công đặc sắc. Với nguồn nguyên liệu gỗ các loại, kết hợp với sơn dầu Phú Thọ - một loại nhựa có màu sắc đẹp, lạ, bóng, bền đã tạo nên lớp men đen bóng cho những tác phẩm sơn mài. Nghệ nhân làng nghề đã không ngừng hoàn thiện kỹ thuật, đào tạo lớp kế thừa nghề cổ truyền và phát triển lâu dài trong xã hội.

Trải qua nhiều thế hệ, sơn mài trên vùng đất Bình Dương vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm tính cách Á Đông. Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là vùng đất duy nhất ở phía nam có đầy đủ 3 loại hình của sơn mài truyền thống, gồm sơn mài trang trí, sơn mài ứng dụng và tranh sơn mài nghệ thuật. Tất cả nằm trong một không gian nhỏ nhất, rất riêng biệt về ngôn ngữ tạo hình và nghệ thuật. Ngày nay, các cơ sở tại làng sơn mài Tương Bình Hiệp có khả năng sản xuất khá đa dạng các sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các loại tủ, bàn ghế… Bên cạnh các loại tranh sơn mài, còn có các sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí như: Bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp…

Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp ngoài yếu tố chất lượng còn mang cả giá trị nghệ thuật. Chính vì vậy, các doanh nghiệp (DN), các cơ sở sản xuất sơn mài luôn ý thức rõ việc nâng cao chất lượng và giá trị nghệ thuật thông qua sản phẩm để thu hút khách hàng và nâng cao thu nhập. Nhưng hiện tại việc sản xuất ra sản phẩm phụ thuộc phần lớn vào tay nghề của người thợ thủ công. Giá thành nguyên liệu ngày càng tăng cao làm tăng giá thành sản phẩm trong khi đó giá bán tại thị trường các nước đang bị cạnh tranh rất khốc liệt. Khách hàng quốc tế ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm nên đầu ra đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Sơn mài Tư Bốn, cho biết với sự cạnh tranh gay gắt trong nhiều ngành sản xuất giai đoạn hiện nay đòi hỏi DN phải nỗ lực, học hỏi, sáng tạo, nắm bắt kịp thời những mẫu mã, xu hướng, tiêu chuẩn mới, phù hợp với yêu cầu của khách hàng ngày càng cao.

Tự hào gìn giữ

Hơn 10 năm trở lại đây, làng nghề sơn mài đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Hiện tại làng nghề đang còn khoảng 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh sơn mài, lao động trong ngành dưới 1.000 người. Từ những con số này cho thấy làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp dù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhưng lại đang dần mai một. “Để vượt qua khó khăn, hiện tại các DN, cơ sở sơn mài đang chủ động chia sẻ đơn hàng cùng nhau. Mục đích cuối cùng là giữ ổn định số lượng DN, cơ sở làm nghề, nhất là với lực lượng công nhân lành nghề. Đặc biệt nỗ lực nghiên cứu sáng tạo các mẫu mã mới, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tận dụng kênh thương mại điện tử để tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Lê Bá Linh chia sẻ thêm.

Ðể làng nghề nức tiếng một thời của cả nước không mai một thì bên cạnh sự nỗ lực của những nghệ nhân tâm huyết là việc triển khai đề án bảo tồn kết hợp phát triển du lịch nhằm hồi sinh lại làng nghề sơn mài Tương Bình hiệp là hết sức ý nghĩa.

Ông Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh Bình Dương, cho biết việc xây dựng khu bảo tồn là đề án cấp thiết góp phần quan trọng đáp ứng sự kỳ vọng của người dân, nghệ nhân làng nghề sau nhiều năm chờ đợi sự đổi mới và phát triển. Qua đó tạo điều kiện cho các DN, cơ sở làng nghề tiếp cận với các chính sách ưu đãi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch trên địa bàn. Đồng thời, góp phần tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, các DN, các tổ chức xã hội, các hiệp hội ngành nghề biết được giá trị lịch sử lâu đời về một làng nghề truyền thống, một danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại phường Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

 Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh tiếp tục làm cầu nối giúp đỡ các DN, cơ sở phát huy sáng tạo, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh vì lợi ích của từng hội viên và của toàn xã hội. Cùng với đó, không ngừng liên kết với các sở, ngành và địa phương cùng các hiệp hội khác tổ chức giao lưu học tập và đào tạo nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, thị hiếu thẩm mỹ, kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả khu bảo tồn, đưa vào hoạt động chuyên nghiệp, tạo được thế mạnh để giữ vững giá trị làng nghề với sản phẩm đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng cao được người tiêu dùng trong ngoài nước ưa chuộng.

 THOẠI PHƯƠNG